Chiến lược chống Covid-19 hiệu quả và khác biệt của Singapore

Trường Thịnh

(Dân trí) - Theo đuổi chiến lược chống dịch khác biệt và thận trọng - Singapore từng bước mở cửa, song vẫn đảm bảo sức khỏe cho người dân, đồng thời phục hồi nền kinh tế.

Từ khi bùng phát dịch bệnh đến nay, đảo quốc vẫn luôn kiên định áp dụng một chiến lược chống dịch nhất quán, và tùy từng thời điểm, Chính phủ sẽ có những biện pháp phòng dịch riêng, linh hoạt chuyển đổi để thích nghi với tình trạng trong nước và quốc tế.

Luôn đặt sức khỏe người dân làm ưu tiên hàng đầu

Đầu năm 2021, một số quốc gia trên thế giới vẫn kiên định với kịch bản "zero Covid" bằng cách siết chặt các biện pháp phòng dịch, song đây không phải kết quả dễ đạt được trong tương lai gần.

Từ tháng 6, Australia đã phải vật lộn với sự lây lan nhanh của biến thể Delta. Tương tự, New Zealand cũng trải qua những đợt giãn cách xã hội phòng dịch nhằm tiến tới "không Covid-19". Tuy nhiên sau đó cả hai quốc gia này đều chấp nhận từ bỏ chiến lược ban đầu, chuyển hướng sang thích nghi và sống chung với đại dịch.

Một số quốc gia khác lại chọn phương án tạo miễn dịch cộng đồng, trong đó có Anh. Sớm triển khai tiêm vaccine toàn dân và dỡ bỏ giãn cách song số ca nhiễm tại Anh vẫn tăng mạnh. Đỉnh điểm vào tháng 7 với 30.000-40.000 ca mỗi ngày.

Với những bài học trên, Singapore chọn hướng đi riêng, kiên trì với mục tiêu đặt an toàn sức khỏe người dân làm ưu tiên hàng đầu, "sống chung" với Covid-19 song song với duy trì biện pháp cách ly, xét nghiệm, truy vết và khai báo y tế chặt chẽ.

Chiến lược chống Covid-19 hiệu quả và khác biệt của Singapore - 1
Chiến lược chống Covid-19 của Singapore được đánh giá là thận trọng và hiệu quả trong bối cảnh hiện tại (Nguồn ảnh: Reuters).

Thận trọng từng bước trong việc mở cửa

Là một phần trong chiến lược của Đảo quốc, nước này đã có những động thái mở cửa trở lại nhằm phục hồi kinh tế, song vẫn nỗ lực truy vết nhanh chóng mỗi khi phát hiện ca nhiễm mới. Đảo quốc đã khởi động chương trình Hành lang du lịch cho người đã tiêm chủng (Vaccinated Travel Lanes - VTL), cho phép du khách tiêm đủ hai mũi vaccine có thể nhập cảnh không cần cách ly.

Tính đến ngày 27/11, chương trình cũng đạt được những kết quả khả quan khi ghi nhận hơn 37.000 du khách nhập cảnh Singapore theo chương trình VTL. Tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 ghi nhận từ nhóm này là 1/1000 trong vòng 8 tuần, kể từ khi chương trình bắt đầu, cho thấy rủi ro không cao.

Chiến lược chống Covid-19 hiệu quả và khác biệt của Singapore - 2
Singapore Airlines (SIA) Group đã phục hồi công suất hành khách của tháng 10 năm nay ở mức 34% so với trước đại dịch.

Bên cạnh đó, đảo quốc cũng đã tiến hành phân loại các quốc gia và vùng lãnh thổ thành 4 nhóm chính, dựa trên đặc điểm tình hình và nguy cơ Covid-19. Nước này cũng áp dụng các quy định nhập cảnh cụ thể dựa trên tình trạng tiêm chủng cho từng nhóm du khách khác nhau.

Chính phủ Singapore đã nâng khung đánh giá rủi ro với một số quốc gia Đông Nam Á từ nhóm III lên nhóm II, bao gồm Việt Nam từ ngày 11/11. Và gần đây nhất, Chính phủ Singapore điều chỉnh khung đánh giá rủi ro với 7 quốc gia Bulgaria, Hungary, Iceland, Ireland, Luxembourg, Na Uy và Ba Lan, xếp các quốc gia này vào Nhóm III từ ngày 6/12. Theo đó, du khách từ các quốc gia này phải làm xét nghiệm Covid-19 trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành đến Singapore.

Tăng cường bảo vệ trước sự xuất hiện của biến chủng mới

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến thể Omicron xuất hiện, Singapore cũng đã có những động thái để phòng ngừa sự lây lan biến chủng mới này. Theo đó, Singapore đã tạm dừng nới lỏng các quy định giãn cách xã hội hiện tại và du khách nhập cảnh vào Đảo quốc sẽ phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt hơn. Cụ thể, từ ngày 6/12, tất cả du khách nhập cảnh vào Singapore theo chương trình Hành lang du lịch cho người đã tiêm chủng (VTL) sẽ phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày trong thời gian 7 ngày sau khi nhập cảnh.

Bên cạnh đó, các quy định về hạn chế đi lại sẽ được mở rộng thêm đến những quốc gia đã ghi nhận sự gia tăng đột biến các ca nhiễm Omicron. Từ ngày 4/12, tất cả những người có thẻ cư trú dài hạn và du khách ngắn hạn có lịch sử di chuyển gần đây đến Ghana, Malawi và Nigeria trong vòng 14 ngày qua sẽ không được phép nhập cảnh hoặc quá cảnh tại Singapore. Việc khởi động chương trình VTL với các nước Trung Đông cũng tạm thời bị hoãn lại cho đến khi có thông báo mới

Hơn nữa, Chính phủ Singapore cho rằng các biện pháp phòng dịch cộng đồng cơ bản trước đó như khẩu trang, sát khuẩn, giới hạn số người tụ tập nơi công cộng... vẫn giữ vai trò quan trọng và cần nghiêm túc duy trì bất kể giai đoạn nào. Trong đó, công tác tiêm phòng vẫn được triển khai chặt chẽ.

Nhận thấy các kháng thể có thể suy yếu sau khoảng 6 tháng kể từ khi tiêm mũi 2, từ ngày 24/11, Bộ Y tế Singapore đã triển khai tiêm mũi nhắc lại cho tất cả các nhóm tuổi sau 5 tháng kể từ thời điểm hoàn thành 2 mũi đầu tiên. Theo thông báo mới nhất tại Đảo quốc, Nhân sự thiết yếu của Bộ Quốc phòng Singapore (Mindef) và Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF) - nhóm đối tượng được đánh giá có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao sẽ được tiêm nhắc lại.

Bộ Y tế Singapore cũng công bố xác nhận đưa vaccine Sinovac vào chương trình tiêm chủng quốc gia nhằm tăng tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tại đảo quốc, đáp ứng tiêm cho đối tượng dị ứng với vaccine mRNA (Pfizer và Moderna). Và từ nay đến ngày 31/12/2021, những người đã tiêm 2 mũi vaccine Sinovac hoặc Sinopharm cần tiêm thêm mũi thứ 3 để có thể giữ trạng thái tiêm chủng đầy đủ từ ngày 1/1/2022.

Chiến lược chống Covid-19 hiệu quả và khác biệt của Singapore - 3
Bộ Y tế Singapore triển khai tiêm nhắc lại cho toàn bộ nhóm tuổi đủ điều kiện sau 5 tháng hoàn thành 2 mũi đầu tiên (Nguồn ảnh: TODAYOnline).

Đảo quốc vẫn đang từng bước chuyển đổi sang trạng thái "sống chung với Covid-19" trên tinh thần cẩn trọng và kiểm soát chặt chẽ. Nhờ vào việc lựa chọn một lối đi riêng, cân bằng giữa đảm bảo sức khỏe cho người dân và mở cửa đất nước, các nước trong khu vực có thể cân nhắc học hỏi và rút ra bài học từ những thành tựu mà Singapore đạt được.