1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chị em mút chỉ thêu tranh Trung Quốc: Nhà khoa học lo "sốt vó"

Chưa có bất cứ đơn vị nhập khẩu mặt hàng tranh thêu chữ thập nào có chứng nhận kiểm nghiệm chứng minh đạt tiêu chuẩn. Điều nay có thể gây mất an toàn cho người tiêu dùng bởi họ tiếp xúc với vải, chỉ thêu rất lâu, thậm chí còn mút, vuốt chỉ thêu để xâu kim...

Tranh thêu chữ thập đang trở thành thú vui mới của các chị em.

Tranh thêu chữ thập đang trở thành thú vui mới của các chị em.

 

Cơ quan chức năng đang thả lỏng?

 

Tranh thêu chữ thập đang trở thành cơn sốt của nhiều chị em ở mọi lứa tuổi. Tại nhà, văn phòng làm việc, nơi bán hàng, chợ... chúng ta đều có thể nghe nói và bắt gặp hình ảnh các bà, các chị cần mẫn ngồi thêu tranh.

 

Tại các cửa hàng bán tranh thêu chữ thập trên đường Kim Ngưu hay Đại La (Hà Nội), chúng tôi chứng kiến hàng trăm mẫu bức tranh khác nhau được bày bán. Người bán hàng cho biết, tranh thêu chữ thập chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Đi kèm với tranh là các bảng chỉ thêu màu sắc đa dạng, tùy vào cách bố trí màu sắc mà bức tranh sẽ có số chỉ màu phù hợp. Các bức tranh dao động từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn, tùy vào kích cỡ của mỗi bức.

 

Theo quan sát, tất cả bao bì và chú thích trong hàng trăm bức tranh thêu chữ thập đều sử dụng toàn tiếng Trung mà không có bất cứ thông tin tiếng Việt nào. Bên cạnh đó, các bức tranh này cũng không có khuyến cáo, hướng dẫn hay kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng Việt Nam.

 

Chị Nguyễn Thị Mai (Tôn Đức Thắng, Hà Nội) chia sẻ, cơ quan chị có rất nhiều chị em thêu tranh chữ thập. Mọi người tranh thủ thêu vào giờ nghỉ trưa, khi về nhà dạy con học, ở đâu các chị cũng bàn tán về chủ đề tranh thêu, chỉ thêu, màu, ý nghĩa bức tranh... Tuy nhiên, chị Mai cũng bày tỏ, mặc dù môn nữ công này đang trở thành thú vui, sở thích của nhiều người, nhưng tới nay vẫn chưa có bất kỳ khuyến cáo nào của cơ quan chức năng về chất lượng sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc này.

 

Theo ThS Trần Thị Thu Dung, Giám đốc Trung tâm thí nghiệm Dệt may (Viện Dệt may), các amin thơm gây ung thư có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo là các chất bị cấm có trong vải. Còn formandehyt cũng được xem là chất có nguy cơ gây ung thư, dị ứng cho người sử dụng. Cả hai chất này đều được Bộ Công thương quy định là phải kiểm tra đối với các mặt hàng dệt may theo Thông tư số 32/ 2009/TT – BCT. Theo đó, các sản phẩm dệt may được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên thị trường Việt Nam đều phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng trước khi lưu thông trên thị trường.

 

Tuy nhiên, bà Dung cũng nhấn mạnh, hiện chưa có bất cứ đơn vị nào nhập khẩu mặt hàng tranh thêu chữ thập có chứng nhận kiểm nghiệm chứng minh đạt tiêu chuẩn các chỉ tiêu trên. Điều nay có thể gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Bởi khi thêu, người sử dụng tiếp xúc với vải, chỉ thêu rất lâu. Thậm chí có những người còn mút, vuốt chỉ thêu để xâu kim, hay sử dụng tranh thêu vào các đồ dùng gia đình như gối, chăn, khăn...

 

Một câu hỏi được người dân đặt ra, phải chăng mặt hàng tranh thêu đang bị thả nổi trên thị trường Việt Nam? Nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe người dân đang bị xem nhẹ? Câu trả lời đến nay vẫn còn bỏ ngỏ vì chưa có bất kỳ thông tin nào từ các cơ quan chức năng cho thấy mặt hàng này nhập lậu hay có chứa chất độc hại hay không. 

 

Nhà khoa học lo “sốt vó”

 

Kỹ sư Trương Phi Nam, Trưởng phòng nghiên cứu, thí nghiệm mẫu nhuộm Việt Dệt may cho hay, hiện có 22 chất amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo được cho là có khả năng gây ung đến người tiêu dùng. Trong đó có 5-6 chất được chứng minh gây ung thư. Các chất này hiện nay đã bị cấm.

 

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, cấm là động thái nhưng cũng không loại trừ các nhà sản xuất cạnh tranh không lành mạnh nên vẫn dùng vì giá rẻ. Đặc biệt là khi các mặt hàng được nhập khẩu không chính thức, cơ sở nhuộm không đảm bảo. Đáng lo là nguy cơ các cơ sở nhuộm bỏ qua các công đoạn của quá trình làm sạch thuốc gây nguy hại đến người tiêu dùng.

 

Quy định của Bộ Công thương nêu rõ, hiện nay hàm lượng trong các đồ dệt may không được vượt quá 30ppm tức 30mg/kg. Còn formandehyt trên sản phẩm dệt may tiếp xúc trực tiếp với da không được vượt quá 75ppm tức 75mg/kg.

 

Trước sự ưa chuộng tranh thêu chữ thập của người tiêu dùng nhưng chưa có cảnh báo nào của các cơ quan chức năng, và sự lo lắng của nghề nghiệp nên Trung tâm thí nghiệm Dệt may (Viện Dệt may) đã thử nghiệm một mẫu tranh thêu được mua ngẫu nhiên ngoài chợ. Chỉ tiêu kiểm nghiệm là tìm hàm lượng chất formandehyt và các amin thơm gây ung thư có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trên vải, chỉ thêu. Kết quả cho thấy, hàm lượng formandehyt không vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Đồng thời không tìm thấy các các amin thơm gây ung thư có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trên màu vải và chỉ.

 

Tuy nhiên, ThS Trần Thị Thu Dung cho biết: “Đối với một mẫu kiểm nghiệm của Trung tâm chỉ mang tính chất thử nên không đánh giá được toàn bộ chất lượng mặt hàng này. Trên thực tế có rất nhiều hãng, cơ sở sản xuất khác nhau. Mỗi nơi sẽ sử dụng hóa chất nhuộm, chất liệu vải, và mỗi một bức tranh có thể có hơn 50 màu chỉ khác nhau. Vì thế chưa thể xác định sản phẩm đó có an toàn hay không. Cách duy nhất để an toàn cho người tiêu dùng là các cơ quan chức năng cần kiểm tra kỹ mặt hàng này từ khâu nhập khẩu đến phân phối. Đồng thời, các đơn vị cũng tuân thủ quy định của Nhà Nước thông qua thông tư 32 của Bộ Công Thương, tức phải kiểm tra chất formandehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo”, ThS Thu Dung nhấn mạnh. 

 

 

 

 

Theo các chuyên gia, hiện người tiêu dùng khó có thể biết được sản phẩm nào an toàn. Do vậy mọi người nên tránh vuốt, mút chỉ khi thêu, sau khi thêu nên rửa tay bằng xà phòng, tránh dùng tranh thêu cho các sản phẩm tiếp xúc với bề mặt da...

 

Theo Hiền Anh

Lao động