Chỉ có 51% người nghèo được hưởng BHYT

(Dân trí) - TS Trần Văn Tiến, Truởng phòng Kế hoạch Đào tạo Hợp tác Quốc tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho rằng, qua điều tra, vấn đề phí BHYT nhà nước cấp cho người nghèo không cân đối về thu - chi, hơn thế còn có sự chênh lệch về việc chi giữa các khu vực.

Thực tế, mỗi năm nhà nước cấp 50.000đồng/người nghèo nhưng có khu vực chi nhiều hơn số tiền được phân bổ,có khu vực lại chi không hết. Trong đó, khu vực bội chi cho người nghèo chủ yếu ở thành phố lớn và đồng bằng.

 

Chẳng hạn, Hà Nội, năm 2005, bội chi quỹ người nghèo khoảng 72 tỷ đồng. Tính trung bình, chi phí y tế cho mỗi người thuộc diện người nghèo ở Hà Nội hết 82.000 đồng/năm.

 

Trong khi đó, tại Cao Bằng, chi cho y tế bình quân là 18.000 đồng/người; tỉnh Điện Biên (tỉnh được đánh giá là chi cao nhất trong khu vực các tỉnh miền núi về y tế) cũng chỉ mất có 28.000 đồng/người nghèo/năm.

 

Cũng theo kết quả nghiên cứu đánh giá chính sách và kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm y tế do Viện Chiến lược & Chính sách Y tế công bố sáng 6/12/2006 tại Hà Nội, thì hiện tại, nhà nước phải đóng tiền cho bảo hiểm y tế nhiều nhất và đó là một vấn đề xã hội cần được quan tâm.

 

Theo điều tra của Viện chiến lược & Chính sách Y tế, có 51% tổng số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là người nghèo. 1/4 số người thuộc diện phải tham gia chính sách BHYT bắt buộc không phải là người nghèo nhưng lại là người thuộc diện chính sách. Những người này không phải bỏ tiền túi ra đóng phí BHYT, tiền phí BHYT hằng năm được nhà nước chuyển từ các quỹ phúc lợi xã hội khác sang.

 

TS Trần Văn Tiến khẳng định, ở Việt Nam, không chỉ cơ cấu tham gia BHYT đặc biệt so với các nước trong khu vực, mà nhà nước là cơ quan phải đóng tiền BHYT nhiều nhất. Không những thế, bội chi của quỹ BHYT ngày càng lớn, do chính sách bảo hiểm y tế hiện nay của Việt Nam không loại trừ các yếu tố rủi ro.

 

Theo tài khoản y tế quốc gia, chi phí bình quân dành cho y tế năm 2003 là 26USD/năm. Đến năm 2006, con số đó giảm xuống 8USD/năm. Sự tụt giảm nhanh chóng, theo TS Tiến, còn do sự không đồng bộ giữa mức đóng và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm không cân xứng.

 

Hồng Hải