Chết oan vì truyền dịch bừa bãi

Trong nhiều trường hợp cấp cứu thì truyền dịch là một kỹ thuật cần thiết nhằm bổ sung nước, chất điện giải, máu cho cơ thể và phòng trụy tim mạch. Tuy vậy, truyền dịch có thể xảy ra một số tai biến không mong muốn, đôi khi là nguy kịch. Và thực tế, đã có những ca tử vong oan uổng vì truyền dịch bừa bãi, không đúng chuyên môn...

 
Bệnh nhân có thể gặp tai biến khi truyền dịch
Bệnh nhân có thể gặp tai biến khi truyền dịch

 

Nhiều người gặp tai biến khi truyền dịch

 

Với kỹ thuật tiêm truyền tĩnh mạch không quá phức tạp dẫn đến tình trạng sử dụng dịch truyền đặc biệt phổ biến ở nông thôn, thị trấn...nơi kiến thức về chăm sóc sức khỏe của người dân còn hạn chế. Hơn nữa, việc giám sát hành nghề y dược tư nhân ở những nơi này cũng chưa được chặt chẽ. Những người đòi hỏi được truyền dịch chỉ hiểu một cách sơ sài rằng dịch truyền là chất “bổ” nên cứ thấy mệt là muốn bổ sung, họ không biết rằng các loại dịch truyền đều là thuốc dạng đặc biệt, chỉ được dùng khi bác sĩ khám và kê đơn. Rất nhiều loại bệnh chống chỉ định với việc truyền dịch.

Chết oan vì truyền dịch bừa bãi

 

Chị T.T.H. (xã Ea Noul, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk) bị cảm cúm, nhức đầu nên người mệt mỏi, chán ăn, khó chịu. Sau khi uống thuốc cảm, chị H. đã đỡ đau đầu hơn... nhưng khi thấy trong người vẫn chưa khỏe hẳn, lại có người mách truyền nước sẽ rất tốt nên chị đến quầy dược để truyền nước hoa quả vitaplex cho nhanh khỏe. Truyền hết 1 chai, chị thấy bình thường, chị truyền tiếp chai thứ hai. Nhưng khi truyền được gần nửa chai dịch thứ hai, chị cảm thấy đầu choáng váng, nôn ói, rồi lên cơn rét run, tay chân cứng đờ, không nói được nữa. Cô dược tá vội vàng gọi xe đưa chị vào viện để cấp cứu. Bác sĩ cho biết chị bị sốc phản vệ do truyền dịch, nếu chậm trong giây lát có thể sẽ không giữ được tính mạng.

 

Bà N.T.H. (72 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nên khi thay đổi thời tiết lại bị: hắt hơi, sổ mũi, đau mình mẩy, người mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên... Mỗi lần như vậy, bà lại mời bác sĩ về nhà để “truyền đạm”. Khi gặp bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn khuyên bà nên vào viện khám, làm các xét nghiệm rồi sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ vì bà tuổi đã cao... thì bà H. tỏ ý không bằng lòng... Chỉ đến khi người hàng xóm bằng tuổi bà bị “sốc” khi truyền dịch tại nhà bà mới biết “sợ” vì hậu quả của nó quá nguy hiểm.

 

Năm 2012, trên thông tin đại chúng cho biết có một học sinh học lớp 4 ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đã tử vong trong lúc đang truyền dịch tại một đại lý thuốc tư nhân. Cũng trong năm 2012, cái chết của chị Hoàng Thị Yến (sinh năm 1991, quê ở An Lão, Hải Phòng) tạm trú ở Cẩm Phả đã tìm đến nhà riêng của bà y tá Hương xin truyền dịch với lý do thấy mệt mỏi. Bà Hương đã truyền dịch cho chị Yến và hậu quả là xảy ra tai biến nặng nề dẫn đến tử vong.

 

Và rất nhiều những ca tai biến đã xảy ra do truyền dịch. Vì vậy, truyền dịch phải đúng theo yêu cầu và chỉ định của bác sĩ khám, chữa bệnh cho từng người bệnh cụ thể, không có chỉ định chung chung.

 

Vì sao khi truyền dịch có thể xảy ra tai biến?

 

Dịch truyền có nhiều loại với các thành phần, hoạt chất và có nồng độ khác nhau nhằm sử dụng cho từng trường hợp bệnh khác nhau. Dịch truyền có thể đưa nhanh các chất cần thiết (nước, chất điện giải, vitamin, đạm, hóa chất, kháng sinh, máu) vào mạch máu với số lượng lớn, có khả năng giữ lâu trong lòng mạch và lượng dư thừa sẽ được đào thải nhanh qua thận. Tùy theo thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ quyết định truyền loại dịch gì cho phù hợp (tình trạng bệnh, lứa tuổi). Ngoài bác sĩ khám, chữa bệnh, không một ai (y tá diều dưỡng, kỹ thuật viên, dược sĩ...) được ra chỉ định truyền dịch.

 

Trong khi truyền dịch có thể có một số tai biến không mong muốn xảy ra, trước hết có thể gây đau, phù nề (chệch ven làm dịch chảy ra ngoài, nếu dịch truyền có canxi thì gây loét), vỡ tĩnh mạch làm bầm tím tại nơi chọc tĩnh mạch. Nếu dùng dịch truyền một cách bừa bãi (không nắm được tình trạng bệnh để biết chỉ định và chống chỉ định) thì có thể gây rối loạn điện giải, phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim (nhất là đối với người vốn có bệnh tim mạch), tăng huyết áp đột ngột (với bệnh nhân đang mắc bệnh tăng huyết áp), thậm chí có thể gây tử vong.

 

Một nguy cơ hay gặp nhất trong truyền dịch là sốc. Sốc do truyền dịch có thể xảy ra khi bắt đầu hoặc trong khi truyền, thậm chí cả ngay sau khi truyền xong. Nguyên nhân gây sốc có thể do nhiều lý do khác nhau, đáng lo ngại nhất là do cơ địa dị ứng hoặc người bệnh bị dị ứng với kháng sinh mà trong dịch truyền có pha lẫn kháng sinh thì sốc xảy ra nhanh, rất khó khăn cho việc xử trí. Sốc do truyền dịch cũng có thể do chất lượng thuốc hoặc do dụng cụ tiêm truyền không đảm bảo vô trùng hoặc do tốc độ truyền quá nhanh do điều dưỡng viên không thực hiện đúng y lệnh hoặc tốc độ chảy của dịch truyền. Thực tế đã có bệnh nhân tử vong do không được xử lý sốc kịp thời, đặc biệt là truyền dịch tại gia đình hoặc ở các cơ sở không đủ điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện cấp cứu khi tai biến xảy ra. Nếu truyền dịch không đúng chỉ định, không tuân thủ các nguyên tắc vô trùng tuyệt đối thì có thể gây ra nhiều nguy cơ viêm nhiễm (viêm nhiễm tại nơi tiêm, viêm tĩnh mạch...), đặc biệt là gây nhiễm trùng huyết - một căn bệnh rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh hoặc lây các bệnh qua đường máu như HIV/AIDS, viêm gan virut B, C...

 

Ngoài ra, nếu truyền dịch kéo dài (cả số lượng dịch truyền, cả về thời gian) sẽ làm cơ thể rối loạn hấp thu chất dinh dưỡng hoặc bị biến chứng teo tế bào não. Vì vậy, nếu người bệnh bị mất nước, chất điện giải (tiêu chảy, sốt) ở mức độ trung bình mà vẫn ăn uống được thì không nên truyền dịch, tốt nhất nên bổ sung bằng đường ăn, uống (súp, cháo, sữa, nước hoa quả, uống dung dịch ORS).

 

Theo PGS.TS. Bùi Khắc Hậu

Sức khỏe & Đời sống