Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư tuyến giáp
Bên cạnh các phương pháp điều trị, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng góp phần quan trọng trong chăm sóc và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư tuyến giáp.
Các tác dụng phụ từ phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, các liệu pháp miễn dịch... khiến người bệnh suy kiệt, giảm cân, mệt mỏi. Với chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp cung cấp năng lượng để người bệnh phục hồi sức khỏe, duy trì cân nặng hợp lý, đảm bảo sức khỏe điều trị bệnh.
Ung thư tuyến giáp là gì?
Ung thư tuyến giáp là một loại ung thư thường gặp ở phụ nữ và thường được chẩn đoán ở độ tuổi trẻ hơn so với các loại ung thư khác. Mặc dù tỷ lệ tử vong thấp so với các loại ung thư khác, nhưng việc sống chung với một phần hoặc thiếu mô tuyến giáp mang những lo ngại về sức khỏe vì thiếu hụt vai trò của tuyến giáp.
Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp được gọi là u nhú hoặc hỗn hợp u nhú - nang. Khi được phát hiện và điều trị đủ sớm, các mô bạch huyết thường không bị ảnh hưởng. Điều trị ung thư tuyến giáp thường bao gồm cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp và điều trị bằng liệu pháp thay thế hormon tuyến giáp. Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp có thể được thực hiện nếu một người bị bướu cổ, ung thư tuyến giáp hoặc cường giáp. Bởi vì tuyến giáp sản xuất hormon điều chỉnh sự trao đổi chất cho cơ thể, việc loại bỏ tuyến giáp có thể khiến người bệnh khó đạt được cân nặng hợp lý.
Cụ thể, trong quá trình quản lý ban đầu của liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp (levothyroxine), cân nặng và các tình trạng dinh dưỡng khác có thể thay đổi. Nếu chỉ còn lại ít hoặc không còn mô tuyến giáp sau khi cắt bỏ, tình trạng dinh dưỡng cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Đáng chú ý nhất là canxi và vitamin D do tăng nguy cơ hạ canxi máu (do suy giáp mạn tính) và loãng xương (do cường giáp mạn tính). Vì cơ thể không còn khả năng sản xuất hormon tuyến giáp sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, người bệnh có nguy cơ bị suy giáp mạn tính. Điều này cũng có thể liên quan đến việc điều trị levothyroxine không đầy đủ hoặc theo khuyến cáo của các bác sĩ nội tiết để giữ cho lượng hormon tuyến giáp ở mức thấp để ngăn sự phát triển của mô. Hơn nữa, cường giáp cũng có thể xảy ra do dùng không đủ liều levothyroxine và không tuân thủ phác đồ theo dõi, nếu không được điều trị, loãng xương có thể xảy ra.
Chế độ ăn trong điều trị ung thư tuyến giáp
Bất kể bao nhiêu mô tuyến giáp bị loại bỏ, các biện pháp can thiệp cho các loại u nhú hoặc nang thường bao gồm điều trị iốt phóng xạ. Trong quá trình điều trị này, một chế độ ăn ít iốt được khuyến nghị trong 14 ngày trước khi điều trị. Khi tiêu thụ ít hơn 50 microgam iốt hàng ngày (gọi là chế độ ăn ít iốt), các tế bào, mô tuyến giáp (bao gồm cả tế bào ung thư tuyến giáp) trở nên "đói" iốt. Do đó, khi điều trị iốt phóng xạ, các tế bào này có nhiều khả năng bị phá hủy với tỷ lệ cao hơn so với khi không tuân thủ chế độ ăn kiêng.
Chế độ ăn ít iốt là chế độ ăn cần tránh những thực phẩm chứa hàm lượng iốt cao như: thực phẩm và thịt đóng hộp, đóng gói, chế biến sẵn; thực phẩm có màu đỏ hoặc chứa thuốc nhuộm thực phẩm; hải sản hoặc các sản phẩm từ biển (bao gồm rong biển, cá biển, dầu cá,...); các sản phẩm từ sữa và trứng; các sản phẩm bánh mì và sôcôla; cậu nành và các sản phẩm làm từ đậu nành; Các loại đậu khác, bao gồm: đậu đỏ, đậu pinto...; vỏ các loại rau củ (đặc biệt là khoai tây...).
Người đang điều trị bằng iốt phóng xạ nên sử dụng các thực phẩm: muối ăn, gia vị (không phải muối iốt, hoặc tăng cường iốt); trái cây tươi và rau quả; protein nguồn gốc động vật: 200g mỗi ngày; các loại hạt (lạc, bơ…) không rang, tẩm muối; ngũ cốc và mì ống: có thể ăn 2 bát con mỗi ngày, miễn là không chứa nhiều iốt; các loại thảo mộc, gia vị (tươi và khô) và dầu thực vật; mứt, thạch, mật ong...
Lời khuyên của bác sĩ
Để giúp duy trì sức khỏe tốt, người bệnh cũng nên duy trì cân nặng hợp lý, tiếp tục duy trì hoạt động thể chất và hạn chế lối sống tĩnh tại như thời gian ngồi hoặc nằm nhiều. Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh gồm nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế hoặc tránh các loại thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, đồ uống có đường và thực phẩm đã qua chế biến. Không uống rượu, nếu bạn có uống rượu, không quá 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ hoặc 2 ly mỗi ngày đối với nam giới. Các lưu ý trên cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe không tốt khác và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.