“Chế độ ban đêm” của điện thoại di động có giúp dễ ngủ hơn không?
(Dân trí) - Bạn nằm trên giường, dưới chiếc chăn và lướt internet. Thế rồi, khi thấy đã muộn, bạn chuyển điện thoại sang “chế độ ban đêm” (Night Mode), khiến màn hình tối hơn một chút để dễ ngủ hơn. Nhưng bạn vẫn không ngủ và tiếp tục lướt web một hai giờ nữa.
Có thể thấy, việc chuyển màn hình sang chế độ ban đêm chẳng có tác dụng gì trong việc giúp bạn buồn ngủ. Trên thực tế, một nghiên cứu từ Đại học Manchester tiết lộ rằng ánh sáng màu vàng của “chế độ ban đêm” từ điện thoại thậm chí còn khiến bạn khó ngủ hơn. Tại sao vậy?
Nguyên nhân là vì một protein trong mắt gọi là melanopsin sẽ phản ứng với cường độ ánh sáng, hoặc bước sóng của nó. Nghĩa là, bước sóng càng ngắn, độ chói càng giảm, khiến màn hình càng vàng hơn. Ý tưởng là một màn hình trông ấm hơn được cho là sẽ giúp người ta cảm thấy buồn ngủ.
Song điều này đã không vượt qua được một yếu tố khác liên quan đến đôi mắt và tác dụng của nó đối với đồng hồ sinh học của cơ thể.
Về cơ bản, các tế bào hình nón phát hiện màu sắc trong mắt sẽ gửi tín hiệu sinh học đến não để báo cho não biết lúc đó là ngày hay đêm, và nó làm việc này dựa trên loại ánh sáng mà nó nhận được. Vì vậy, một màn hình sáng có nghĩa là trong tiềm thức báo hiệu lúc đó vẫn còn ban ngày, khiến bạn không cảm thấy buồn ngủ chút nào. Ý tưởng này được đưa ra sau khi nghiên cứu các tế bào hình nón cảm nhận màu sắc ở chuột.
Tất nhiên, nghiên cứu vẫn còn sơ lược và cần thêm thời gian. Tuy nhiên, điều không thể chối cãi là thứ cuối cùng khiến bạn tỉnh táo vào ban đêm chính là chiếc điện thoại và bạn không muốn ngủ đúng giờ. Nó rất sáng, nó gây mất tập trung và chắc chắn rằng năm phút nữa có nghĩa là thêm ít nhất một giờ. Hãy đặt điện thoại xuống và ủng hộ cơ thể bằng cách đi ngủ.
Cẩm Tú
Theo MD