Chảy máu bàng quang ồ ạt - Ca bệnh chưa từng gặp tại bệnh viện Nhi đồng

(Dân trí) - Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM vừa điều trị thành công cho một trường hợp mắc hội chứng rối loạn hệ mạch máu bẩm sinh xâm lấn bàng quang. Trong y văn thế giới đây là bệnh rất hiếm gặp, số người mắc phải hội chứng này đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Từ khi chào đời, chân của bé N.T.V. (ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM) đã có hệ mạch máu nổi lớn hơn so với những trẻ khác, sau đó các mạch máu này phình ra thành bướu máu gây phì đại chi. Suốt 7 năm qua, bệnh nhi nhiều lần phải nhập viện điều trị và trải qua 2 cuộc phẫu thuật can thiệp.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã can thiệp thành công một ca bệnh cực hiếm
Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã can thiệp thành công một ca bệnh cực hiếm

Những tưởng, sự đau đớn đã qua nhưng bệnh tiếp tục diễn biến bất thường. Ngày 17/10, cháu hốt hoảng nói với cha mẹ về tình trạng tiểu ra máu, kèm theo đau dữ dội ở vùng bụng dưới. Ngay lập tức, bé V. được gia đình chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu. Sau 1 ngày theo dõi, bệnh nhi vẫn tiểu ra máu, kèm theo những cục máu đông.

TS.BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận Nội tiết cho hay, bệnh nhi bị chảy máu quá nhiều, dung tích hồng cầu từ 30% giảm xuống còn 20%, chúng tôi đã phải truyền hơn 3 đơn vị hồng cầu lắng. Để đảm bảo lượng hồng cầu trong máu, việc truyền máu được duy trì liên tục, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bé.

Đứng trước ca bệnh chưa từng gặp trong lịch sử của bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đã nhiều lần hội chẩn tìm nguyên nhân và giải pháp can thiệp. “Việc tiểu máu đại thể với trẻ em thường là do các nguyên nhân như: sỏi, nhiễm trùng, viêm loét, chấn thương bàng quàng… Nhưng tình trạng xuất huyết ồ ạt rất khủng khiếp mà bệnh nhi gặp phải là một sự bất thường nơi tĩnh mạch. Bệnh nhi còn nhỏ tuổi, trong khoảng thời gian chờ đợi nếu mạch máu bị tổn thương quá lớn sẽ dẫn đến chảy máu liên tục, rất nguy hiểm đến tính mạng.”, BS Loan chia sẻ.

Ban đầu, bác sĩ tiến hành thả bóng để bít lỗ thủng của mạch máu nhưng bất thành. Bệnh viện đã phải chạy đua với thời gian để tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng chảy máu cấp, có thể cướp đi sinh mạng bệnh nhi. Các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tiếp tục được thực hiện. BS Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Siêu âm cho hay: “Qua siêu âm, chúng tôi phát hiện trong bàng quang bệnh nhi tồn tại nhiều máu cục, thành bàng quang có cấu trúc mạch máu bất thường.”

Bé V. đã may mắn thoát khỏi nguy cơ chảy máu đến chết
Bé V. đã may mắn thoát khỏi nguy cơ chảy máu đến chết

Sau khi tìm hiểu y văn thế giới, những dị dạng mạch máu gây phì đại ở chi của bệnh nhi trùng với biểu hiện của hội chứng Klippel Trenaunay, bệnh viện đã tiếp tục tổ chức hội chẩn. Kết thúc cuộc hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ đã thống nhất chẩn đoán, bệnh nhi mắc phải hội chứng Klippel Trenaunay xâm lấn vào bàng quang gây vỡ mạch máu dẫn đến tình trạng xuất huyết ồ ạt.

Theo các bác sĩ, hội chứng Klippel Trenaunay có 3 biểu hiện đặc trưng gồm: bớt màu rượu vang (sinh sản mao mạch bất thường) ở một hoặc nhiều chi; dị dạng mạch máu (giãn tĩnh mạch, khiếm khuyết tĩnh mạch hoặc tĩnh mạch nhân đôi) và phì đại chi. Hơn 90% trường hợp  của hội chứng Klippel-Trenaunay biểu hiện ở chi dưới.

Ngay sau đó, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật. BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện, đảm nhận nhiệm vụ trưởng ca mổ cho hay: “Suốt 3 giờ khẩn trương, chúng tôi đã cắt bỏ một phần đáy bàng quang chứa túi mạch máu và khâu lại bàng quang. Một tuần sau ca mổ, tình trạng tiểu ra máu toàn dòng ở bệnh nhi đã được ngăn chặn, bé V. tỉnh táo, tiếp xúc tốt, nước tiểu vàng trong".

Cũng theo BS Trung Hiếu: “Trước đây, bệnh viện từng thực hiện phẫu thuật một số trường hợp  hội chứng Klippel Trenaunay, song những bệnh nhi trên mạch máu xâm lấn vào ruột già, xuất huyết tiêu hóa. Trường hợp tĩnh mạch xâm lấn vào bàng quang ở bé V. là ca bệnh viện chưa từng gặp. Trong y văn thế giới, đây là một loại bệnh rất hiếm gặp, số người mắc thống kê đến nay mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.”

Vân Sơn