Chàng trai chinh phục đường chạy 42km sau hơn 1 năm chữa ung thư máu

Hồng Hải

(Dân trí) - Sau hơn 1 năm mắc ung thư máu, anh lần lượt chinh phục 2 giải chạy, 21km và 42km. Suốt 5 tiếng bền bỉ chạy trong đêm, anh Thành nghĩ quãng đường đó như thời gian ở phòng ghép, mình phải vượt qua.

Sau nhổ răng 2 tiếng phát hiện bệnh máu nguy hiểm

Chiều 14/2, trong chương trình "Câu chuyện mùa Xuân", Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã ra mắt ấn phẩm "Còn mãi yêu thương". Cuốn sách là câu chuyện của những bệnh nhân ung thư máu viết lên hành trình phi thường vượt lên bệnh tật của họ, là món quà tinh thần dành tặng các bệnh nhân ung thư.

Trong chương trình "Câu chuyện mùa Xuân", chia sẻ của chàng trai Vũ Việt Thành ở Hưng Yên khiến nhiều người thán phục. Sau hơn 1 năm phát hiện thư máu, từ chỗ tưởng như ngã gục, anh đã vượt lên chính mình.

Chàng trai chinh phục đường chạy 42km sau hơn 1 năm chữa ung thư máu - 1

Anh Thành ở thời điểm sau ghép tế bào gốc (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Anh nói, hơn 1 năm kể từ khi phát hiện, điều trị ung thư máu, anh chưa bao giờ ngừng chiến đấu với bệnh tật. Thời điểm phát hiện bệnh những tưởng như gục ngã, nhưng anh đã vượt lên, chiến đấu với nó.

Anh Thành chia sẻ, tháng 5/2021, khi đi nhổ răng đau, bác sĩ khuyên anh nên đi khám huyết học.

"Nghe bác sĩ nói vậy, tôi cũng giật mình, linh cảm điều không may mắn. Lòng nóng như lửa đốt, tôi đến ngay Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khám. Chỉ 2 tiếng sau đó, tôi biết mình "có vấn đề". Suy sụp, lo lắng, hoang mang, bởi trước đó tôi không có bất cứ dấu hiệu nào, vẫn khỏe mạnh đi làm, luyện tập thể thao hàng ngày", anh Thành nói.

Cũng theo anh Thành, anh cũng vượt qua sự suy sụp rất sớm, nhờ có sự động viên tinh thần, trao đổi của bác sĩ. Căn bệnh Lơ-xê-mi cấp dòng tủy (ung thư máu) của anh phát hiện ở giai đoạn sớm, có cơ hội điều trị.

Anh Thành cũng truyền kinh nghiệm cho bệnh nhân điều trị ung thư, là phải luôn tin vào y học chính thống. "Trong quá trình điều trị có nhiều ngã rẽ nhưng nên theo phương pháp điều trị được kiểm chứng", anh Thành nói.

Chinh phục 2 giải chạy sau nửa năm ghép tế bào gốc

Sau gần 1 năm điều trị hóa trị và đạt lui bệnh hoàn toàn, anh được ghép tế bào gốc nửa hòa hợp từ em trai ruột.

Anh chia sẻ: "52 ngày trong phòng cách ly là một trải nghiệm nhiều đau đớn mà ngay cả những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó hình dung được. Chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là trong thời kỳ hệ miễn dịch bị suy giảm mạnh. Có những giờ phút, chỉ cần buông xuôi, phó mặc là sự sống đã rẽ qua ngã khác.

Đó đúng là thời điểm của lằn ranh sự sống, cần có ý chí để vượt qua".

Sau 6 tháng kể từ ngày ghép tế bào gốc, anh quyết định trở lại đường chạy, chinh phục 21 km (Half Marathon) tại giải Long Biên Marathon. Kết quả về đích sau 2 giờ 14 phút 06 giây, xếp thứ 847/3032 không khỏi khiến anh xúc động và vui mừng.

Chàng trai chinh phục đường chạy 42km sau hơn 1 năm chữa ung thư máu - 2

Sau 6 tháng được ghép tế bào gốc, anh tham gia giải chạy 21km đầu tiên (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

"Tôi vẫn luôn tập luyện mỗi ngày trước khi bị bệnh, trong khi bị bệnh và cả sau khi bị bệnh. Hiện tôi vẫn duy trì luyện chạy với anh em 4-5 buổi/tuần", anh Thành chia sẻ.

Trước đó 6 tháng, trước khi vào viện để ghép, anh vẫn dậy sớm chạy một vòng công viên Thống Nhất rồi mới nhập viện. Ở trong phòng cách ly, chỉ cần có một chút sức lực là anh vùng dậy tập thể dục. Ngày duy nhất anh không vận động là ngày thứ 3 sau khi truyền tế bào gốc. Ngay hôm sau, anh lại cố bước đi, dù chỉ được 16 bước là hoa mắt.

Anh Thành nhớ lại những "bước chạy đầu tiên" sau khi xuất viện trở về nhà, đôi chân anh cảm thấy như đeo đá. Chặng đường chạy bắt đầu của anh chỉ từ 300-500m đã thấm mệt. Mỗi ngày cố thêm một bước chân, cuối cùng anh đã chinh phục đường chạy 21km.

Chưa dừng lại ở đó, anh còn tiếp tục tham gia chạy Full Marathon 42km. Anh chia sẻ: "Chặng đường chạy 5 tiếng liền vào ban đêm nghĩ lại cũng giống như hồi trong phòng ghép vậy. Có những thời điểm rã rời, cực kỳ khó khăn, mệt mỏi, có những điểm nút phải cố gắng để không bỏ cuộc, dùng ý chí để vượt qua", anh Thành nói.

Chàng trai chinh phục đường chạy 42km sau hơn 1 năm chữa ung thư máu - 3

Chiến binh chiến thắng ung thư đã chinh phục bản thân, với cung đường 42km và hơn 5 tiếng chạy trong đêm (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, mỗi ngày Viện điều trị cho khoảng 1.200 - 1.300 người bệnh, trong đó có trên 50% là người bệnh ung thư máu. Trong quá trình đồng hành cùng người bệnh, các y bác sĩ đều thấu hiểu những giây phút khó khăn của họ khi tiếp nhận thông tin bệnh, sự mệt mỏi, gian truân của những người đồng hành trong suốt hành trình người bệnh chiến đấu với bệnh tật.

"Bởi vậy ấn phẩm "Còn mãi yêu thương" sẽ như "liều thuốc" tiếp thêm niềm tin và sức mạnh tinh thần cho người bệnh. Mỗi người bệnh là một câu chuyện, với những sẻ chia vượt qua bệnh tật sẽ là sự động viên rất lớn cho những người bệnh khác, và với cả bác sĩ chúng tôi - những người mỗi ngày mang đến niềm tin chiến thắng bệnh tật cho người bệnh bằng các phương pháp điều trị chính thống", PGS Thanh chia sẻ.

Chàng trai chinh phục đường chạy 42km sau hơn 1 năm chữa ung thư máu - 4

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh cùng các bệnh nhân xem ấn phẩm "Còn mãi yêu thương" (Ảnh: H.Hải).

Trong chương trình "Câu chuyện mùa xuân" lần thứ 3 - chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe và hỗ trợ tinh thần cho người bệnh nhân ngày Thế giới Phòng chống Ung thư 4/2 và ngày Thế giới Phòng chống Ung thư Trẻ em 15/2, ấn phẩm "Còn mãi yêu thương" đã được ra mắt.

Theo TS.BS. Vũ Đức Bình - Phó Viện trưởng, các điều kiện chăm sóc, điều trị người bệnh nói chung và người bệnh ung thư nói riêng ngày càng được cải thiện. Với sự phát triển của y học, rất nhiều kỹ thuật, thuốc mới được ứng dụng vào điều trị. Trước đây, có những bệnh lý tưởng chừng "vô phương cứu chữa" như Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt. Hiện nay, căn bệnh đã có thuốc điều trị và trên 90% người lui bệnh hoàn toàn. Bên cạnh đó, hiện nay, Viện đã tiến hành hơn 550 ca ghép tế bào gốc, nhiều người bệnh đã trở lại cuộc sống bình thường, lập gia đình, sinh con.