1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chẳng áo trắng nào muốn nhấc bỏ một phần cơ thể của những sinh linh bé nhỏ

(Dân trí) - Giữa mùa world cup sôi động, trong những ngày hè đỏ lửa tưởng không gì có thể làm nguội được “sức nóng” đó trên các trang báo hàng đầu nhưng dòng tít “Cô bé lớp 6 hiến tặng giác mạc trước khi qua đời” “Rớt nước mắt trước đôi mắt trong veo của cô bé 12 tuổi… vẫn làm chúng tôi- những bác sĩ mắt gục đầu suy nghĩ.

Chẳng áo trắng nào muốn nhấc bỏ một phần cơ thể của những sinh linh bé nhỏ - 1

Còn đang đi làm nên ngày nào chúng tôi cũng gặp cảnh mù lòa. Những cặp mắt tròn to, đen láy nữa, miệng xinh mỉm cười với lương y những mắt thì không thấy được gì. Bé không định thị được, mắt lắc giật liên hồi. Các bậc có tuổi mắt kém thì chào chúng tôi nhưng mắt lại hướng ra cửa sổ. Cảnh nghèo, phận mù khiến khiến nỗi bất hạnh đặc quánh.

Nếu không thể vớt vát được gì chúng tôi cũng chẳng thể thốt lên: hết cách rồi bác ạ. Cả hai đành phải chờ phép kỳ diệu của khoa học, ngày nào đó tế bào gốc hay mắt mô phỏng sinh học có thể làm được điều gì chăng?

Ai đó không làm ngành y, chứng kiến những cảnh mất mắt hay mất thị lực của thân nhân, ruột thịt họ sẵn sàng thỉnh nguyệt chúng tôi được nhường con mắt cho người bất hạnh. Những bậc cao lão cũng sụt sùi van nài: tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa, cho cháu nó con mắt của tôi, bác sĩ ghép cho nó.

Thực tế phũ phàng là chúng ta không thể ghép nhãn cầu từ người này sang người khác. Nó khó khăn và vô hậu như ghép đầu người vậy. Có chăng là vật liệu nhân tạo như thể thủy tinh nhân tạo, dầu silicone giúp chúng ta thay thế những bộ phận hỏng hóc tương ứng của nhãn cầu là thể thủy tinh và dịch kính.

Cho tặng nhau mắt thực tế là cho tặng nhau lòng đen (giác mạc) và một phần củng mạc( lòng trắng) đi kèm. Đến nay y học chưa thể chế làm ra giác mạc nhân tạo mà phải hoàn toàn trông chờ vào sự “để lại” của những người đã mất.

Hơn 10 năm sau khi thành lập, tuyên truyền vận động liên tục, được nhà nước tạo hành lang pháp lý để hoạt động nhưng Ngân hàng mắt của BVMTƯ mỗi năm chỉ thu nhận được chưa được 100 người hiến tặng giác mạc. Con số đó chẳng thấm vào đâu số với sổ đăng ký chờ hiến giác mạc của BVMTƯ lúc nào cũng hơn 1.000 người.

Trong cộng đồng thì có khoảng 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc đang chờ người hiến mắt, chẳng biết bao giờ vận may mới rơi vào mình. Mỗi năm con số đó sẽ bổ sung khoảng 15.000 trường hợp mắc mới nữa. Khó khăn là vậy nên phẫu thuật ghép giác mạc cho dù không phức tạp lắm vẫn chưa cứu chữa được nhiều người mù. Rất nhiều người đang phải chịu cảnh mù lòa hay sẽ chết già mà chẳng có một ngày được nhìn đời, nhìn người thân…


BS Nguyễn Hữu Hoàng đang thực hiện thao tác lấy giác mạc của Vân Nhi

BS Nguyễn Hữu Hoàng đang thực hiện thao tác lấy giác mạc của Vân Nhi

Năm nay nhờ anh linh của bé Hải An- 7 tuổi thiên thần bé nhỏ ban phúc mà số lượng người hiến mắt đã chạm con số 60 trong 6 tháng đầu năm, rồi đến hôm nay giữa lúc người lớn mải vui đá bóng bé Vân Nhi đã lẳng lặng hiến tặng con mắt của mình.

Chẳng áo trắng nào muốn nhấc bỏ một phần cơ thể của những sinh linh bé nhỏ vốn đã thiệt thòi vì chẳng được có mặt trên đời được bao lâu. Những trĩu nặng, khổ đau của người phải làm việc này chúng tôi hoàn toàn thấu cảm.

Ai có thể làm thay anh, ai muốn làm thay anh…Không ai và anh cũng không muốn làm khó ai. Có chăng các kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt sẽ bớt đau khổ hơn, làm việc bớt run rẩy hơn với những ai ra đi thật thọ và thuận tự nhiên. Mong được như vậy mà chẳng có nhiều... Chúng ta chia sẻ tâm trạng với vị Giám đốc Ngân hàng Mắt- Nhà báo Nguyễn Hữu Hoàng, người phải trực tiếp thu nhận sự hiến dâng nghiệt ngã của bé Nhi:

"Thêm một câu chuyện nhân văn, thêm một việc vô cùng cao đẹp. Vượt qua định kiến của xã hội, vượt qua phong tục tập quán cổ hủ gia đình là thêm trang cho tập truyện nhân văn đầy tình người. Thiên thần nhỏ bé hãy mỉm cười và bay về trời nhé!"

Trở về nhà sau một ngày bải hoải vì công việc, vì thời tiết nóng nực, lật từng trang mạng đọc về bé Vân Nhi, Hải An…Các bé chẳng béo tốt, xinh đẹp như những đứa trẻ khác vì bệnh tật bám riết từ ngày mới sinh. Bố mẹ chúng cũng yêu chúng biết bao nhưng không vì thế mà tiếc đời đôi mắt…Những đôi mắt trong veo đó rồi một ngày gần đây sẽ lại hiện về thấm đẫm hồn người. Cám ơn các bé, tạ ơn các bậc sinh thành ra các cháu!

PGS. TS Nguyễn Xuân Hiệp

Bí thư Đảng Ủy- Giám đốc bệnh viện Mắt Trung ương

Người ghi Bs Hoàng Cương