1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chậm xử lý buôn bán dược phẩm giả gây tâm lý lo lắng, bức xúc trong dư luận

(Dân trí) - Chính phủ cho rằng tình trạng sản xuất, buôn bán dược phẩm giả, kém chất lượng còn chậm xử lý, gây tâm lý lo lắng và bức xúc trong dư luận. 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có gần 7 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 14,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (4 trường hợp tử vong); 162 trường hợp mắc bệnh thương hàn…

Một vụ buôn bán thực phẩm chức năng giả trên địa bàn Hà Nội bị lực lượng chức năng xử lý (Ảnh minh hoạ).
Một vụ buôn bán thực phẩm chức năng giả trên địa bàn Hà Nội bị lực lượng chức năng xử lý (Ảnh minh hoạ).

Theo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ gửi tới Đại biểu Quốc hội, hệ thống y tế dự phòng từ Trung ương đến địa phương và mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và tăng cường; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên, không để dịch bệnh lớn xảy ra.

Tính đến tháng 12/2017, tỷ lệ tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm (thương hàn, viêm não vi rút, viêm màng não do não mô cầu, bệnh tay chân miệng) đều giảm so với cùng kỳ năm trước, riêng bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp hơn.

Hệ thống y tế cơ sở tiếp tục được củng cố trên cơ sở gắn với mô hình bác sĩ gia đình, duy trì và mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế ở tuyến cơ sở, giảm thời gian khám bệnh, chữa bệnh, cải thiện rõ rệt tình trạng quá tải bệnh viện và tỷ lệ chuyển tuyến.

Lần đầu tiên thực hiện đấu thầu thuốc tập trung quốc gia với 8 danh mục thuốc có số lượng sử dụng lớn, khắc phục tình trạng chênh lệch giá thuốc trúng thầu giữa các vùng, địa phương.

Tuy nhiên, báo cáo thừa nhận còn xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, vi phạm trong quản lý dược, mất an toàn thực phẩm, ngộ độc đông người. Tính chung 12 tháng năm 2017, toàn quốc đã xảy ra 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc, trong đó 24 trường hợp tử vong, giảm 16,3% về số vụ và 10,2% số người mắc so với năm trước. Tuy nhiên số người tử vong tăng 12 người do nguyên nhân chủ yếu là ngộ độc rượu, còn lại do độc tố tự nhiên.

Chất lượng dịch vụ y tế khám chữa bệnh và khả năng tiếp cận dịch vụ còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các tuyến và giữa các vùng miền. Mạng lưới y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Trạm Y tế xã và Y tế dự phòng chưa được đầu tư thỏa đáng. Khoảng cách địa lý giữa các cơ sở y tế chưa hợp lý, chưa gần dân, hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân, đặc biệt tại các tỉnh nghèo, khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng sản xuất, buôn bán dược phẩm giả, kém chất lượng còn chậm xử lý, gây tâm lý lo lắng và bức xúc trong dư luận.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có gần 7.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 14,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (4 trường hợp tử vong); 162 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 131 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (2 trường hợp tử vong); 101 trường hợp mắc bệnh ho gà; 10 trường hợp mắc bệnh viêm não do mô cầu; 30 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn ở người (3 trường hợp tử vong); 18 trường hợp tử vong do bệnh dại và 522 người bị ngộ độc thực phẩm (6 người tử vong).

Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế. Triển khai thực hiện mức giá khám chữa bệnh (có cả thẻ bảo hiểm y tế và không có thẻ bảo hiểm y tế) có kết cấu thêm chi phí tiền lương tại 63 tỉnh, thành phố (tăng 12 tỉnh, thành phố so với năm 2017).

Thế Kha