Chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân ung thư

Hà An

(Dân trí) - Ung thư là một trong những chẩn đoán đáng sợ nhất mà bác sĩ có thể thông báo cho bệnh nhân. Người bệnh thường sợ hãi về việc điều trị và tác dụng phụ của điều trị xen lẫn lo lắng về cái chết.

Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ, khi phát hiện ra bệnh nhiều người bệnh nghĩ đến đã mất ăn mất ngủ, lo âu suy nghĩ, đọc sách báo rồi suy nghĩ luẩn quẩn.

Mất lòng tin vào cuộc sống là một tâm lý nặng nề của người phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư.

Tinh thần là điều mà bệnh nhân lo lắng nhất sau khi phát hiện ra bệnh. Tiếp đến, các phương pháp điều trị ung thư cũng là những nỗi sợ hãi của người bệnh. Điều trị phẫu thuật là can thiệp nặng nề vì nó có thể dẫn đến thay đổi ngoại hình và những biến chứng rủi ro.

Chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân ung thư - 1

Hóa trị và xạ trị cũng liên quan đến các tình trạng buồn nôn, nôn, mệt mỏi và rụng tóc.

Rất nhiều người bệnh ung thư bị các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu dẫn đến làm giảm chất lượng cuộc sống, cũng như ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh. Can thiệp giúp giảm bớt gánh nặng về tâm lý đem lại những hiệu quả tích cực trong việc làm nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần

Các giá trị tôn giáo và tinh thần rất quan trọng đối với những người đang chống chọi với bệnh ung thư.

Nhiều bệnh nhân ung thư dựa vào niềm tin và thực hành tâm linh hoặc tôn giáo để giúp họ chống chọi với bệnh tật. Điều này được gọi là đối phó tâm linh. 

Mỗi người có thể có những nhu cầu tâm linh khác nhau, tùy thuộc vào truyền thống văn hóa và tôn giáo. Đối với một số bệnh nhân nặng, sức khỏe tinh thần có thể ảnh hưởng đến mức độ lo lắng của họ về cái chết. 

Những bệnh nghiêm trọng như ung thư, có thể gây ra đau khổ về tinh thần cho cả bệnh nhân và người thân của họ.

Người ta không biết chắc chắn tâm linh và tôn giáo có liên quan như thế nào đến sức khỏe. Một số nghiên cứu cho thấy rằng niềm tin và thực hành tâm linh hoặc tôn giáo tạo ra một thái độ tinh thần tích cực có thể giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn và cải thiện hạnh phúc của những người chăm sóc gia đình. Phúc lợi về tinh thần và tôn giáo có thể giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống theo những cách sau:

- Giảm lo lắng, trầm cảm, tức giận và khó chịu.

- Giảm cảm giác bị cô lập (cảm giác đơn độc) và nguy cơ tự tử.

- Giảm lạm dụng rượu và ma túy.

- Giảm huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim.

- Giúp bệnh nhân thích nghi với ảnh hưởng của bệnh ung thư và điều trị của nó.

- Tăng khả năng tận hưởng cuộc sống trong quá trình điều trị ung thư.

- Mang lại cảm giác về sự trưởng thành của cá nhân do kết quả của việc sống chung với bệnh ung thư.

- Tăng cảm giác tích cực, bao gồm: hy vọng và lạc quan, tự do khỏi hối tiếc, sự hài lòng với cuộc sống, một cảm giác bình yên bên trong.

- Sức khỏe tinh thần và tôn giáo cũng có thể giúp bệnh nhân sống lâu hơn.

Trong khi đó, tinh thần sa sút cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Đau khổ về tinh thần có thể khiến bệnh nhân khó chống chọi với bệnh ung thư và quá trình điều trị ung thư. 

Người bệnh có thể tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý… để được giúp đỡ. Chăm sóc giảm nhẹ về sức khỏe tâm thần bao gồm tập thể dục, tư vấn, thiền định và có thể dùng thuốc giảm lo âu, trầm cảm hoặc cải thiện giấc ngủ. Một cố vấn, trưởng nhóm trợ giúp, hoặc chuyên gia tâm lý có thể gợi ý cho người bệnh các hoạt động giúp giảm căng thẳng và lo lắng, như tập yoga, sáng tạo nghệ thuật, tham gia hội những người sống chung với ung thư, hoặc tham gia những hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa.