Chăm sóc dinh dưỡng cho từng cột mốc phát triển của trẻ

Khi con cất tiếng khóc chào đời, mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ là cân nặng, chiều dài nhưng cầm nắm, lật bò, lò dò tập đi, bi bô cười nói; rồi tò mò, khám phá, sáng tạo… và đó là những cột mốc phát triển cũng rất cần được phụ huynh chú ý.

Trẻ em không chỉ lớn lên theo độ tuổi mà còn lớn lên theo từng cột mốc.

Trẻ em không chỉ lớn lên theo độ tuổi mà còn lớn lên theo từng cột mốc.
Theo GS.TS.Nguyễn Gia Khánh, Phó chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam: Từ xưa, ông bà ta đã có câu “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”. Đây chính là những cột mốc cha mẹ dựa vào đó để biết được con mình lớn lên thế nào? Trong khi đó, ngày nay, chúng ta thường đánh giá sự phát triển của trẻ dựa vào chiều cao, cân nặng mà không hiểu thấu đáo cả quá trình phát triển toàn diện thể chất, tâm thần, vận động”.

Đứng trên góc độ của một chuyên gia tâm lý lâm sàng nhi khoa, BS.Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho rằng: “Cha mẹ nào chỉ nghĩ đến việc mỗi bữa làm sao nhồi nhét cho trẻ đầy chén cháo mới thành công là sai lầm. Và nếu lại không quan tâm đến những phát triển vận động như: chạy nhảy, cầm nắm hay những vui-buồn, sự tương tác với cha mẹ và môi trường xung quanh… thì những sự chăm sóc “lệch pha” này dễ gây tổn thương đến sự phát triển tâm lý của trẻ”.
Cột mốc phát triển là các hành vi hoặc các kỹ năng thể chất được quan sát ở những em bé sơ sinh và trẻ nhỏ khi chúng lớn lên và phát triển. Tại mỗi cột mốc phát triển, luôn có những giới hạn tuổi trên và dưới để theo đó trẻ có thể đạt được cột mốc đó. Ví dụ, trẻ biết đi sớm nhất là ở 8 tháng tuổi và muộn nhất là 18 tháng tuổi, điều đó được xem là bình thường.
Theo phân tích của các chuyên gia thì rõ ràng, trẻ em không chỉ lớn lên theo độ tuổi mà còn lớn lên theo từng cột mốc. Lấy dấu ấn phát triển nổi trội nhất trong từng giai đoạn làm cơ sở, cùng với việc đặt quyền lợi của trẻ và sự quan tâm, mong mỏi của phụ huynh đối với sự phát triển của con em mình làm mục tiêu, các chuyên gia đã đồng thuận đưa ra cách chia cột mốc phù hợp cả 3 lĩnh vực nhi khoa, tâm lý và dinh dưỡng như sau: Mang thai (giai đoạn mang thai), Mau lớn (0 - 6 tháng), Tập đi (6 - 12 tháng), Tò mò (1 - 2 tuổi), Khám phá (2 - 4 tuổi) và Sáng tạo (4 - 6 tuổi).  Những cột mốc phát triển này là cách đánh giá ngắn gọn và tiện lợi mức độ hoặc tỉ lệ phát triển của mỗi đứa trẻ trong một khoảng thời gian.
 
Cha mẹ nên chuẩn bị nền tảng dinh dưỡng phù hợp cho từng cột mốc phát triển của trẻ.

Cha mẹ nên chuẩn bị nền tảng dinh dưỡng phù hợp cho từng cột mốc phát triển của trẻ.

Rõ ràng, về phương diện chuyển hóa, tất cả các giai đoạn phát triển cần sự thay đổi của tế bào và mô (cơ và xương phát triển, điều hòa sự vận động tự động của hệ cơ, não bộ tăng trưởng và mạng lưới dẫn truyền xung động thần kinh hiệu quả). Tất cả những sự thay đổi này đòi hỏi sự trợ giúp tốt nhất có thể, từ chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng tốt, cung cấp môi trường học tập đến dinh dưỡng.

Như vậy, sự hòa nhập xã hội từ khi còn là “mầm sống nhỏ nhoi” trong bụng mẹ cho đến lúc sinh ra và lớn lên là cả một quá trình “học hỏi”. Chính giai đoạn đầu đời là khoảng thời gian quan trọng, cốt yếu cho việc hòa nhập xã hội của trẻ. Cha mẹ và những người xung quanh cần tạo cho trẻ những sự trợ giúp tốt nhất có thể và phù hợp với từng cột mốc phát triển để bé yêu luôn phát triển một cách tối ưu nhất.