1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cha mẹ chính là bác sĩ trị liệu tốt nhất cho trẻ tự kỷ

Trong bối cảnh bệnh tự kỷ ngày càng có chiều hướng tăng mà khoa học chưa tìm ra căn nguyên xác thực để loại bỏ nó, thì theo các bác sĩ tâm lý, sự hiểu biết và tình thương của cha mẹ dành cho đứa trẻ trong quá trình trị liệu là phương thuốc vô cùng quan trọng.

Liên Hiệp Quốc đặt ngày 2/4 hằng năm là ngày “Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ”, vì trên thế giới có gần 67 triệu người mắc chứng tự kỷ. Số trẻ phát hiện mắc chứng tự kỷ nhiều hơn các ca tiểu đường, ung thư và AIDS cộng lại. Tại Việt Nam, hiện có 200.000 người mắc hội hội chứng tự kỷ nhưng không phải đứa trẻ nào cũng được phát hiện bệnh sớm và có phương pháp can thiệp điều trị kịp thời.

 

Gặp chị Trần Thanh Hương (Việt kiều Canada), mẹ của hai đứa trẻ bị bệnh tự kỷ trong ngày hội sách tại TPHCM cuối tháng 3 vừa qua tôi thực sự cảm phục tình yêu chị dành cho con.

 

Chị tâm sự: “Nhớ lại ngày nhận kết quả Jordan, con trai đầu bị bệnh tự kỷ, tôi đã phần nào có sự chuẩn bị vì ở cháu có những triệu chứng rõ ràng của căn bệnh này, cụ thể nhất là việc kém giao tiếp với người khác. Nhưng với trường hợp của Jason (đứa con thứ hai của chị- PV), tôi đã bị sốc vì không ngờ rằng cháu cũng mắc bệnh, và bởi vì tôi đưa cháu đi xét nghiệm bệnh tự kỷ khi cháu chỉ mới hai tuổi theo lời khuyên của bác sĩ gia đình để đề phòng”.

 

Chị Trần Thanh Hương chia sẻ hành trình làm mẹ hai đứa con bị bệnh tự kỷ

Chị Trần Thanh Hương chia sẻ hành trình làm mẹ hai đứa con bị bệnh tự kỷ

 

Chị Hương cũng như bao người mẹ khác, khi biết con bị bệnh tự kỷ, cảm nhận đầu tiên là sốc và kế đến là phải gồng mình chống chọi với ánh mắt kỳ thị của gia đình và xã hội. “Một mình Jordan đã khó khăn biết bao, vậy mà cả Jason cũng mắc bệnh! Rồi cả thái độ lạnh nhạt của nhiều người xung quanh, cả người thân trong gia đình càng khiến tôi, một người mẹ, cảm thấy hoang mang và suy sụp”, chị Hương tâm sự.

 

Không bằng lòng với sự thật nghiệt ngã, chị cùng chồng tìm hiểu về bệnh tự kỷ. Qua đó, chị biết về chương trình Son - Rise. Hai vợ chồng chị từ Canada bay qua Mỹ để học chương trình Son – Rise: “Tôi cùng chồng tham gia, chúng tôi trò chuyện và chia sẻ với các phụ huynh có con tự kỷ cùng tham gia khác. Và mọi thứ trong tôi như dần thay đổi. Tôi nhận ra mình không cô độc, tôi hiểu rằng điều đầu tiên một đứa trẻ tự kỷ cần chính là sự chấp nhận, rằng bệnh tự kỷ và các con là một”.

 

Chị Hương đã vô cùng hạnh phúc và sung sướng, phải nói là như phép nhiệm mầu khi lần đầu tiên Jordan đáp lại ánh mắt của chị. Cháu đã nhìn rất lâu vào mắt chị, điều đó có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra nếu chị không dám chấp nhận và nỗ lực hòa mình vào thế giới của các con.

 

Sau một hành trình kiên trì, chị Hương cho biết, giờ đây 6 tuổi, Jordan đã có thể nhận biết tốt bảng chữ cái. Jordan rất thích vẽ và có cách riêng để tạo nên hệ thống liên tưởng của mình. “Có lần con vẽ chữ “D” kèm theo một con cá heo (Dolphin), một chữ “O” và vòng vèo thành một chú cú ”Owl”,…. đó là cách con đánh vần từ “DOG” (con chó). Trong phòng học của con có xích đu, có cả thang dây để con luyện những kỹ năng vận động. Giờ đây, khả năng giao tiếp, nhất là bằng mắt của Jordan với ba mẹ và người thân đã được cải thiện”, chị Hương xúc động chia sẻ.

 

Với chị, những tiến bộ của hai con quả thực là quá tuyệt vời so với thời gian cách đây một năm. Dù rằng, đôi lúc chị cũng bận lòng suy nghĩ khi người khác đối xử tệ với con mình, như không cho bé uống chung ly…, hay như việc người lớn từng mắng “nhà này không chấp nhận hai chữ tự kỷ”.

 

Jordan trong giờ học

Jordan trong giờ học

 

Tôi hỏi trước sự đối xử lạnh nhạt, cũng như phân biệt đối xử của cộng đồng đối với các con như vậy thì chị thấy thế nào. Chị chân thành tâm sự: “Đau lòng lắm chứ, nhưng tôi đã có thể chấp nhận được những điều nghiệt ngã ấy. Sao có thể trách người ta được, khi họ không hiểu và không thể đồng cảm với cảnh ngộ của mình. Tất cả những điều mà tôi có thể làm là đồng cảm với con - chấp nhận và yêu thương con, giúp đỡ để con tiến bộ”.

 

Chị thấy hạnh phúc tăng lên gấp bội khi tìm sự đồng cảm trong gia đình, mẹ chồng chị lúc trước còn tỏ ý khó chịu, nhưng dần đã hiểu và thay đổi quan điểm về bệnh tự kỷ. Bà còn nhờ một người chị họ từ quê lên giúp vợ chồng chị chăm hai con. Chị Hương khẳng định một điều rằng: “Mình phải thay đổi thì đời mới thay đổi”.

 

Giờ đây chị Hương mong tìm kiếm sự giúp đỡ của những bạn trẻ giàu nhiệt huyết, muốm tìm hiểu và hỗ trợ các trẻ tự kỷ, cũng như chị sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các gia đình có con tự kỷ. Chị cho biết, việc tiếp xúc với nhiều người sẽ giúp mở rộng thế giới của các cháu nhiều hơn.

 

Mong rằng, những nổ lực không mệt mỏi, sự kiên nhẫn cùng tình thương vô bờ của vợ chồng chị Hương dành cho hai con mỗi ngày đều đem đến kết quả tốt đẹp. Đó là phép nhiệm màu mà cuộc sống dành cho gia đình chị.

 

Theo Thiên Thanh

Petrotimes