1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chả lụa nhiễm đủ loại vi khuẩn

Theo phương pháp chế biến chả lụa cổ truyền, thịt phải tươi nóng, mới giết mổ để đảm bảo tốt sự liên kết protein.

Chả lụa luôn được dùng trong đám tiệc và ngày tết. Tuy nhiên, khảo sát mới nhất của Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP.HCM (Bộ Y tế) cho thấy 20/21 mẫu chả lụa không nhãn mác, sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ và hộ gia đình trên địa bàn TP.HCM không đạt... đến chín chỉ tiêu. Cụ thể nhiễm chì, có hàn the, natri benzoate và kali sorbate vượt mức cho phép, tổng số vi khuẩn hiếu khí cao, nhiễm E.Coli, Coliforms, S.aureus, Cl.perfringens.

 

Tại xe bánh mì trên đường Cộng Hòa (Tân Bình, TP.HCM), chả lụa không nhãn hiệu treo lủng lẳng từng chùm với giá chỉ từ 45.000 đến 60.000 đồng/kg.

 

PV tìm đến cơ sở sản xuất chả lụa Khánh Hằng (Hóc Môn, TP.HCM). Ông Nam (chủ cơ sở) giới thiệu nhiều loại chả lụa với mức giá khác nhau từ 55.000 đến 130.000 đồng. “Tiền nào của đó. Loại 130.000 đồng/kg làm toàn bằng thịt heo. Loại 55.000 đồng/kg gồm ba phần thịt, bảy phần mỡ và bột” - ông Nam cho biết.
 
Chả lụa nhiễm đủ loại vi khuẩn - 1
Trông ngon lành nhưng không loại trừ khả năng chả lụa có dùng hóa chất độc hại. Ảnh: TN

 

Tại cơ sở sản xuất chả lụa Việt Hương (Phú Nhuận, TP.HCM), chủ cơ sở tên Xuân cho biết chỉ bán một loại duy nhất giá 150.000 đồng/kg. Theo ông Xuân, chả lụa giá dưới 100.000 đồng/kg chắc chắn phải dùng bột. Chưa kể dùng thịt heo cũ, có mùi nên các cơ sở phải sử dụng hóa chất để “trị”. “Thỉnh thoảng có người đến cơ sở tôi giới thiệu các loại hóa chất biến heo thúi thành heo tươi. Ướp một tí hóa chất này, thịt trở nên đỏ au, bay mất mùi hôi” - ông Xuân cho biết thêm.

 

Ông Xuân khoe cơ sở ông không dùng hàn the, chỉ “chơi” loại bột màu trắng được nhập từ Mỹ để chả lụa được dai. Tuy nhiên, nhãn bột này ghi toàn tiếng nước ngoài nên không ai biết bột gì, được phép sử dụng trong thực phẩm hay không!

 

PGS-TS Phạm Thành Quân, Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa (TP.HCM), cho biết chả lụa nhiễm chì có thể do dụng cụ hoặc phụ gia. “Không ngoại trừ khả năng sử dụng thịt heo biến chất để làm chả lụa nên các cơ sở phải dùng muối diêm công nghiệp với mục đích diệt khuẩn, khử mùi, giúp thịt có màu đỏ tươi. Muối diêm công nghiệp có chì” - TS Quân nói.

 

TS Phan Thành Đồng, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết chả lụa không đạt chỉ tiêu tổng số vi khuẩn hiếu khí có nghĩa là lượng vi sinh vật có hại cao hơn mức cho phép, dễ dẫn đến nguy cơ gây bệnh. “E.Coli, Coliforms, S.aureus có mặt trong chả lụa là do nguyên liệu không an toàn, dụng cụ và người tham gia chế biến không đảm bảo các điều kiện VSATTP. Các vi khuẩn nói trên gây bệnh đường ruột. Riêng Cl.perfringens có khả năng sinh ra độc tố, gây ngộ độc thực phẩm” - TS Đồng nhắc nhở.
 
Theo phương pháp chế biến chả lụa cổ truyền, thịt phải tươi nóng, mới giết mổ để đảm bảo tốt sự liên kết protein. Chả lụa chỉ đạt yêu cầu khi sử dụng nguồn thịt an toàn, không sử dụng hàn the, đảm bảo quy trình sản xuất VSATTP.

Ông LÂM BÁ NHĨ, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm Công ty Vissan.
 
 Theo Trần Ngọc
Pháp luật Tp HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm