Chà bông, lạp xưởng, xúc xích... nhiễm chì
Ông Vũ Trọng Thiện, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TPHCM, cho biết, qua xét nghiệm phát hiện 14/30 mẫu chà bông, 24/30 mẫu lạp xưởng, 23/30 mẫu xúc xích thanh trùng, 20/21 mẫu chả lụa, 6/9 mẫu nem, 28/30 mẫu ô mai xí muội được bày bán ở TPHCM bị nhiễm chì.
Ngoài ra, có 30/30 mẫu giá sống, 30/30 mẫu khô cá và mực ăn liền, 30/30 mẫu mực tươi có chứa chất tẩy trắng, dẫn đến nguy cơ bào mòn dạ dày. “Phần lớn những mẫu thực phẩm không đạt được sản xuất tại các cơ sở nhỏ hoặc hộ gia đình. Do vậy, cơ quan chức năng cần quản lý chặt những cơ sở này” - ông Thiện nêu quan điểm.
Đối với thịt heo, ông Thiện cho rằng 16/18 mẫu ở TPHCM, 5/5 mẫu ở tỉnh Tây Ninh, 5/5 mẫu ở tỉnh Long An, 4/4 mẫu ở tỉnh Tiền Giang, 4/4 mẫu ở TP Cần Thơ không đạt chỉ tiêu vi sinh. Đặc biệt 16/16 mẫu bánh phồng ở tỉnh Bến Tre có chứa DEHP, một chất gây rối loạn sinh dục nam và nữ.
Bà Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam, cũng cho biết trong năm 2011, trên thị trường xuất hiện tràn lan thực phẩm không rõ nguồn gốc. Cụ thể cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã tiêu hủy 20 tấn thịt heo và nội tạng thối bị nhiễm vi sinh.
Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện một cơ sở ở phường Long Bình (TP Biên Hòa) ngâm hàng tấn nội tạng gia súc trong hóa chất tẩy trắng.
Tại TPHCM, cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở sản xuất mứt ở phường Thới An (quận 12) sử dụng hóa chất bị cấm. “Nhà nước luôn khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoạt động nhưng phải có bàn tay thép của pháp luật quản lý. Doanh nghiệp thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm thì khen, ngược lại phải phạt nặng để răn đe” - bà Kim phát biểu.
Theo Trần Ngọc
Pháp luật TPHCM