Câu chuyện về ứng xử trong dịch cúm A/H1N1
(Dân trí) - Dịch cúm A/H1N1 đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện yêu cầu tất cả các địa phương, Bộ, Ngành triển khai các biện pháp cấp bách chống cúm. Thế nhưng, tại TPHCM, việc đối phó với dịch còn nhiều điều phải suy ngẫm.
Việc phát hiện và đẩy nhanh tiến trình ngăn ngừa, điều trị cúm A/H1N1 tại TPHCM có công đầu thuộc về cán bộ của Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM. Tuy nhiên, vẫn còn đó những cung cách ứng xử và đối phó tình huống của cán bộ ngành y khiến không ít người rầu lòng.
Phụ huynh làm thủ tục đón con về ở trường Nguyễn Khuyến
Anh M.Đ (ngụ Long An) bức xúc: “Khi chúng tôi đến hỏi thăm tình hình con mình thì bị cán bộ y tế nạt nộ. Họ không hiểu được nỗi lo lắng của phụ huynh chúng tôi. Có lẽ các bác sỹ này quen nạt nộ bệnh nhân, nên đánh đồng phụ huynh chúng tôi cũng là bệnh nhân của họ”.
Một hộp khẩu trang y tế loại thường khoảng 35.000 - 50.000 đồng với 50 cái, đâu cần phải dùng đến những khẩu trang N95 “xịn”, sản xuất tại Mỹ giá 100.000 đồng/cái để phát cho phụ huynh… Thế nhưng, tại các “ổ dịch” cũng không mua nổi vài hộp để cấp phát. Mỗi người có thể mang mầm bệnh và lây lan cho nhiều người khác. Và cứ thế, tốc độ lây lan theo cấp số nhân. Số người bị cúm nhiều thì kinh phí cho việc tiêu diệt loại vi rút này cũng tốn kém theo cấp số nhân. Thế mà, cả ngành y tế lẫn nhà trường lại quá “tiết kiệm”.
Phụ huynh “xúi” nhà trường làm sai
Tại trường THPT Nguyễn Khuyến (P.13, Q.Tân Bình) ngay trong buổi sáng ngày 23/7, nhà trường đã “giải phóng” cho 2.200 học sinh về với gia đình ở khắp các tỉnh lân cận TPHCM. Những trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh và có biểu hiện sốt thì phải được cách ly tại trường. Thế nhưng, một cuộc giải thoát vô cùng thiếu khoa học đã xảy ra.
Thay vì Sở Y tế cho xe chuyên dụng, có sát trùng, khử khuẩn để đưa những học sinh không có biểu hiện nhiễm cúm về nhà thì ở đây, nhà trường để cho học sinh, phụ huynh mạnh ai nấy chạy. Thậm chí, có học sinh, vừa ra khỏi trường là vứt ngay khẩu trang để bắt xe ôm, xe buýt, taxi ra bến xe về nhà cho lẹ. Nếu như có những em mang mầm cúm thì sự lây lan sẽ tới đâu?
Nhiều người cho rằng: “Có lẽ nhà trường nghe ai đó “xúi” nên thả các em học sinh về nhằm giảm bớt áp lực cho cả hai”. Thế nhưng, giảm áp lực đâu không thấy, chứ mức độ lây lan ra các tỉnh như Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng… thì đã quá rõ. Các học sinh về nhà từ những ổ dịch, nguy cơ mang mầm bệnh rất cao. Nhiều em cho biết chưa hề được tư vấn, hướng dẫn về việc cách ly tại nhà như thế nào.
Một điều đáng nói nữa là thái độ nóng vội của phụ huynh. Nhiều người nghe con điện thoại về báo là đang bị cách ly thì cứ nghĩ là đang bị “cầm tù”, tức tốc “phi nước đại” đến trường để “đòi” con. Phụ huynh viết đơn bảo lãnh, đòi đưa con về nhà chăm sóc, trong khi, chính phụ huynh không được trang bị kiến thức gì về việc phòng, chống cúm A/H1N1.
Như anh T.L (ngụ quận Bình Thạnh), đeo khẩu trang vào trường thăm con, đáng lẽ khi rời khỏi “ổ cúm” thì phải bỏ lại khẩu trang vào sọt rác, đằng này anh lại đeo khẩu trang về nhà mà không hề nghĩ rằng, mầm bệnh đang theo anh về “thăm” những người thân trong gia đình.
Còn chị H.M (phụ huynh học sinh trường Nguyễn Khuyến) lập luận: “Đây cũng là chuyện bình thường chứ có to tát gì đâu. Chẳng qua, cúm A/H1N1 là loại cúm mới nên người ta quan tâm, báo chí viết ào ào vậy thôi. Chứ cúm thường còn gây chết người nhiều hơn cả loại vi rút H1N1 này”.
Bác sĩ đang ra sức giải thích trấn an phụ huynh tại trường Nguyễn Khuyến, trong khi phụ huynh khóc lóc đòi "thả" con về
Chiều ngày 28/7, trao đổi với PV Dân trí về những vấn đề liên quan trên, bác sĩ Phan Văn Nghiệm cho biết, đúng ra, tại những ổ dịch thì phụ huynh không được vào. Phụ huynh thăm con là cần thiết nhưng vào khu vực dịch cúm thì rất nguy hiểm và nguy cơ lây lan cho phụ huynh, cho cộng đồng rất cao.
Liên quan đến việc hơn 2.000 học sinh trường Nguyễn Khuyến ra về mà có nhiều ý kiến cho rằng đó là cuộc “tẩu tán” ào ạt, thiếu khoa học, thì bác sĩ Nghiệm vẫn khẳng định đó là phương án tối ưu nhất, có thể chấp nhận được.
Bác sĩ Nghiệm lý giải, cần phải hiểu khái niệm về ổ dịch. Đó là nhiều người sốt trong một thời gian ngắn (khoảng 24h đồng hồ). “Trong 2.000 học sinh được cho về với gia đình, chúng tôi đã sàng lọc kỹ lưỡng. Những em có thân nhiệt cao hoặc tiếp xúc với người có thân nhiệt cao thì ở lại. Còn 2.000 em học sinh này hoàn toàn bình thường thì giữ lại làm gì. Nguy cơ lây nhiễm càng cao trong một không gian hẹp nếu như cứ giữ các em ở lại”.
“Mỗi em học sinh trước khi ra về đã được phát cho khẩu trang, tờ bướm hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh”, bác sỹ Nghiệm khẳng định.
Theo bác sỹ Nghiệm, việc các em vứt khẩu trang khi ra khỏi trường, chúng tôi nghe báo chí phản ánh nhưng không hề thấy báo nào chụp hình lại việc này. Hiếu động cũng là bản tính của lứa tuổi học trò, vì vậy, các em có vứt khẩu trang cũng chỉ là do ý thức.
“Các em khi ra về thì bình thường nhưng sau đó phát bệnh thì làm sao mà Sở kiểm soát được. Nếu các em có lọt danh sách sàng lọc về nhà mà phát bệnh thì cũng chỉ lây lan trong một cộng đồng nhỏ là những người trong gia đình. Những người làm y tế chúng tôi trong những ngày qua gầy còm đi bởi phải cõng trên lưng gánh nặng 1.000 tấn”, bác sĩ Phan Văn Nghiệm nói.
Công Quang