1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cậu bé thoát cảnh tai nhỏ như vẩy hến nhờ tạo hình tai mới

(Dân trí) - Từ khi sinh ra, bé trai N.S.T (6 tuổi) đã bị dị tật tai nhỏ, vành tai của cậu chỉ bé như vẩy hến. Vì dị tật này, cậu bé tự tin, nhất quyết không đến trường học, xa lánh với bạn bè.

Bố mẹ bệnh nhi đã cho con đi khám nhiều nơi, đều được khuyên đợi đến 10-12 tuổi mới có thể lấy sụn làm tai. Ước mong đã  đến sớm hơn nửa thời gian, khi cậu bé được các bác sĩ bệnh viện Việt Đức tạo hình vành tai mới thành công.

Ngày 19/4/2019, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bé N.S.T đã được tạo hình vành tai từ khi 5 tuổi. Bé đến khám lại ngày hôm nay, trong tình trạng có một chiếc tai mới hoàn toàn bình thường như tai còn lại.

Bố mẹ bé T. cho biết, từ khi sinh ra, bé T. đã có vành tai phải bất thường, nhỏ xíu khác xa tai trái. Lớn lên một chút, cậu bé đã biết xấu hổ, tự ti không muốn đến trường mẫu giáo, xa lánh các bạn, chỉ chơi một mình.

Cậu bé thoát cảnh tai nhỏ như vẩy hến nhờ tạo hình tai mới - 1

Vành tai nhỏ xíu khiến cậu bé tự tin, không dám đến trường.

Bố mẹ cháu đã đưa con đi rất nhiều nơi, mong muốn đem lại cho con mình một cái tai bình thường như bao bạn nhỏ khác nhưng đều được khuyên đợi đến 12 tuổi mới có thể lấy sụn để tạo hình tai.

Một năm trước, khi đưa con đến khám tại Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cháu đã được các bác sĩ phẫu thuật tạo hình tai bằng khung tai nhân tạo. Sau phẫu thuật một năm, cháu hoàn toàn tự tin đến trường cùng các bạn.

Cậu bé thoát cảnh tai nhỏ như vẩy hến nhờ tạo hình tai mới - 2

Bệnh nhi được tạo hình vành tai mới rất sớm, khi mới 5 tuổi thay vì phải đợi đến 10 - 12 tuổi.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt -Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, qua theo dõi 1 năm, chiếc tai mới được tạo hình thích nghi rất tốt với cơ thể trẻ. Việc tạo hình tai bằng khung nhân tạo cho thấy kết quả tốt, thẩm mỹ cao hơn nhiều so với các phương pháp phẫu thuật kinh điển trước đây và trẻ chỉ trải qua 1 lần phẫu thuật thay vì 2 - 3 lần như phương pháp cũ.

Theo PGS Hà, trước đây, với các trường hợp khuyết tai bẩm sinh phẫu thuật thường được tiến hành bằng phẫu thuật tạo hình tai 2 hoặc 3 thì với ít nhất 2 lần phẫu thuật.

Trẻ trải qua lần đầu phẫu thuật để đặt khung tai bằng sụn tự thân. Tiếp đó phải từ 6 tháng đến 1 năm mới có thể phẫu thuật tiếp để dựng tai.

Để thực hiện được kỹ thuật tạo hình tai bằng sụn sườn thường phải đợi trẻ lớn từ 10 - 12 tuổi do cần lồng ngực phát triển đủ lớn mới cung cấp đủ khối lượng sụn sườn cần thiết. Khi lấy sụn sườn, trẻ sẽ có sẹo vùng ngực nơi lấy sụn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có nguy cơ biến dạng ngực sau này.

Tại BV Việt Đức đã triển khai  kỹ thuật mới sử dụng khung sụn tai nhân tạo (Medpor, Omnipor) thay cho sụn sườn tự thân được hai năm nay. Phương pháp này cho phép can thiệp khi trẻ còn rất sớm, 4 – 5 tuổi. Đây là một chất liệu trơ, xốp như san hô, khả năng tương thích rất cao với cơ thể, Với hàng trăm nghìn lỗ nhỏ li ti các tổ chức mô cơ thể có thể mọc vào bên trong và bám chắc vào khung sụn. Với một lần phẫu thuật, trẻ có được cái tai gần như bình thường, tự tin chơi đùa và cắp sách tới trường cùng các bạn mà không cần đợi đến 10-12 tuổi và không phải trải qua hai lần phẫu thuật.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm: dị tật tai nhỏ là khiếm khuyết trong hình thành vành tai (microtia, anotia), ống tai ngoài và tai giữa, gây ảnh hưởng đến thính giác và thẩm mỹ. Theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh có thể gặp là 1,5/2000 – 4000  trẻ em sinh ra. Việc tạo hình vành tai rất quan trọng cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, đặc biệt là các bé trước độ tuổi đến trường.Nó sẽ giúp cho trẻ dễ hòa nhập và đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống.

Hồng Hải