1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cậu bé 8 tuổi lên cơn co giật, hôn mê ngay tại lớp vì viêm não cấp

(Dân trí) - Tại lớp, cậu bé 8 tuổi ở Đông Triều, Quảng Ninh bỗng dưng lên cơn co giật, hôn mê, gọi hỏi không biết, nôn được trường đưa đi cấp cứu, phải đặt nội khí quản.

Theo anh Sơn, bố của Hiếu, trước lúc đi học con có kêu đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Song gia đình chủ quan, nghĩ con lười muốn học nên bố mẹ vẫn cho con đi học bình thường.

Cậu bé 8 tuổi lên cơn co giật, hôn mê ngay tại lớp vì viêm não cấp - 1

Hiện sức khoẻ của Hiếu đã ổn định, ăn uống tốt. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Đang ở lớp thì trẻ bỗng dưng xuất hiện co giật, hôn mê, gọi hỏi không biết kèm theo nôn. Ngay lập tức các cô giáo đưa Hiếu đến Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều cấp cứu. Tại đây, trẻ được đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp và chuyển đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

BSCKI Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện cho biết trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch hôn mê, co giật toàn thân, được chẩn đoán mắc hội chứng não cấp. Các bác sĩ Đơn vị cấp cứu Nhi khoa của Bệnh viện đã hội chẩn cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) quyết định phương án điều trị.

Bệnh nhi được điều trị tích cực, sử dụng an thần giãn cơ, hỗ trợ thở máy và điều trị theo phác đồ hội chứng não cấp… Sau 5 ngày, sức khỏe trẻ đã dần ổn định, tỉnh hơn. Hiện trẻ tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống được.

Theo bác sĩ, viêm não cấp hay hội chứng não cấp là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ với các độ tuổi khác nhau. Bệnh thường khởi phát cấp tính, diễn biến nặng và có thể dẫn đến tử vong nhanh hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không được xử trí kịp thời.

Bệnh có thể lây nhiễm qua côn trùng đốt, qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp. Tác nhân gây bệnh có thể do virus viêm não Nhật Bản, nhưng hiện ít gặp vì trẻ đã được tiêm phòng khá đầy đủ. Ngoài ra có thể do các virus đường ruột, bệnh diễn biến bất thường. Trường hợp nhẹ, sau một tuần trẻ có thể khỏi bệnh mà không để lại di chứng gì. Ngược lại có trẻ lại diễn biến nặng, tử vong rất nhanh.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), biểu hiện lâm sàng ở trẻ rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Mới đầu trẻ có biểu hiện bị sốt, sốt rất cao, dai dẳng, nôn không rõ nguyên nhân (không phải do thức ăn, chán ăn, không có tiêu chảy kèm theo), đau đầu thậm chí ngay cả khi đã hết sốt. Cũng có trẻ nôn nhiều hoặc không đáng kể, thậm chí kèm theo tiêu chảy. Trường hợp nặng bé co giật, rối loạn thần kinh như lờ đờ, mệt, li bì, nặng hơn thì hôn mê. 

Bác sĩ khuyến cáo người dân và đặc biệt trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, co giật, li bì, tri giác lơ mơ, hôn mê, kém vận động… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Đặc biệt khi trẻ kêu đau đầu nhiều cũng cần nghĩ ngay đến viêm não, để đưa con đi khám.

Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa con đi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ. Mũi một lúc trẻ được một tuổi, mũi 2 sau mũi một từ một đến 2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Phòng tránh nhóm virus đường ruột thì cần chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến sạch, ăn chín và rửa tay trước khi ăn. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi ngủ phải mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. 

 Hà An