Cậu bé 2 tuổi bị dị vật mảnh kim loại “ăn” vào thực quản, ho cả tháng mới được phát hiện

(Dân trí) - Bé trai 2 tuổi (Thanh Hóa) được gia đình đưa ra Bệnh viện Nhi Trung ương sau nhiều ngày ho điều trị không khỏi, có dấu hiệu khò khè tăng lên. Qua hình ảnh chụp X-quang các bác sĩ phát hiện dị vật dạng vòng nhưng khi tiến hành nội soi lại không thể phát hiện dị vật.

Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó 1 tháng trẻ có đợt ho và sặc sau ăn, các triệu chứng thoáng qua, gia đình không cho trẻ đi khám và điều trị. Tuy nhiên khoảng 7 ngày trở lại đây trẻ ho khò khè tăng lên.

Cậu bé 2 tuổi bị dị vật mảnh kim loại “ăn” vào thực quản, ho cả tháng mới được phát hiện - 1

Tại  BV Nhi Trung ương, bé được chụp Xquang ngực phát hiện dị vật cản quang dạng vòng vị trí tương ứng đốt sống cổ 3. Tuy nhiên khi tiến hành nội soi hô hấp, nội soi tiêu hóa, các bác sĩ không thể phát hiện dị vật trong lòng khí quản và thực quản.

Hình ảnh  chụp cắt lớp vi tính mô tả hình ảnh dị vật kim loại nằm trong trung thất trên, có ổ dịch khí xung quanh.

“Do mảnh kim loại có hiện tượng xâm thực vào thành thực quản và thoát ra trung thất trên, không quan sát và lấy được qua soi tiêu hóa và hô hấp thông thường, buộc phải mổ mở tại chỗ. Tuy nhiên,  vị trí dị vật nằm sát sau tuyến giáp, dây thần kinh thanh quản quặt ngược và các mạch máu lớn vùng cổ nên nguy cơ tai biến trong mổ rất cao”,  BS Nguyễn Minh Khôi, khoa Ngoại (BV Nhi Trung ương) cho biết.

Để lấy dị vật, các bác sĩ đã phải phẫu thuật với vết rạch ngang vùng cổ trước, dưới sụn nhẫn, vén qua khí quản, phát hiện khối apxe trung thất trên nằm giữa khí quản và thực quản, kèm theo tổn thương thành thực quản. Phẫu tích vào ổ áp xe lấy được dị vật kim loại dạng vòng đường kính 18mm cạnh sắc. Xung quanh vị trí dị vật có ổ tổn thương dạng viêm.

Cậu bé 2 tuổi bị dị vật mảnh kim loại “ăn” vào thực quản, ho cả tháng mới được phát hiện - 2

Sau 18 ngày điều trị tích cực vì nhiễm trùng sau mổ kèm suy hô hấp do phù nề vùng cổ, bệnh nhi ổn định được xuất viện.

Theo BS Khôi, nuốt dị vật ở trẻ em khá phổ biến. Dị vật có thể gặp ở đường tiêu hóa, gây tắc ruột, thủng ruột (đặc biệt với dạng dị vật có từ tính); hoặc đường hô hấp gây suy thở cấp dẫn tới tử vong. Dị vật thường lấy được bằng phương pháp nội soi qua các đường tự nhiên.

Tuy nhiên trường hợp cháu bé này là một ca bệnh đặc biệt, mảnh kim loại có hiện tượng xâm thực vào thành thực quản và thoát ra trung thất trên, không quan sát và lấy được qua soi tiêu hóa và hô hấp thông thường. 

Các bác sĩ cảnh báo gia đình, người lớn cần luôn để mắt đến trẻ, không cho trẻ chơi các vật nhọn, nhỏ, mảnh kim loại... phòng nguy cơ trẻ cho vào miệng nuốt gây hóc dị vật. Cũng cần chú ý trong ăn uống, không cho trẻ tự ăn các loại quả có hạt trơn như nhãn, vải, chôm chôm... phòng nguy cơ hóc dị vật có thể khiến trẻ tử vong.

Hồng Hải