Cậu bé 10 tuổi mắc ung thư dạ dày và lời cảnh tỉnh cho bố mẹ

(Dân trí) - Khi biết tin, cả gia đình của cậu bé đã bị sốc. Tuy nhiên, bác sĩ lại chỉ ra rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến kết cục này lại xuất phát từ thói quen ngỡ thương con mà thành hại con của họ.

Mới đây, một cậu bé 10 tuổi ở Hà Nam, Trung Quốc đã được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Theo chẩn đoán của bác sĩ, việc bị nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP) kéo dài là nguyên nhân chính gây khởi phát khối u ở đứa trẻ chỉ vừa học cấp 1 này.

Cậu bé 10 tuổi mắc ung thư dạ dày và lời cảnh tỉnh cho bố mẹ - 1

Khi biết tin, cả gia đình của cậu bé đã bị sốc. Tuy nhiên, bác sĩ lại chỉ ra rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến kết cục này lại xuất phát từ chính họ. Cụ thể, khi cậu bé còn nhỏ, vì sợ con bị nghẹn nên bố mẹ cậu có thói quen mớm cơm cho con. “Việc nhai cơm trước khi cho con ăn khiến vi khuẩn HP lây truyền từ bố mẹ sang trẻ, thông qua đường nước bọt”, vị bác sĩ này phân tích.

Khi bước vào độ tuổi đi học, cậu bé này lại có sở thích đặc biệt với đồ ăn nhanh như khoai tây chiên, hamburger, vốn là những loại thức ăn giàu calo và rất ghét ăn rau. Vì là cháu đích tôn nên cả bố mẹ lẫn ông bà đều rất chiều chuộng và cho cậu bé ăn theo cách mà mình thích, thay vì uốn nắn. Theo bác sĩ điều trị, chế độ ăn không lành mạnh là nhân tố góp thêm vào rủi ro mắc ung thư dạ dày bên cạnh vi khuẩn HP. Ngoài ra, khi ung thư đã khởi phát chế độ ăn này còn khiến khối u phát triển nhanh hơn.

Từ trường hợp của bệnh nhi 10 tuổi này, chuyên gia khuyến cáo các bậc làm cha làm mẹ nên ngừng thói quen mớm cơm cho trẻ. Mặc dù khi trẻ ăn cơm mớm,  thức ăn dễ tiêu hoá hơn, vì nó đã được nghiền nát và miếng cơm có cả nước bọt của người nhai, nhưng cơm mớm lại có thể bị nhiễm một số bệnh truyền nhiễm của người nhai cơm qua con đường ăn uống, đường hô hấp. Bên cạnh nhiễm khuẩn HP như trường hợp kể trên, trẻ ăn cơm mớm còn có thể đối mặt với nhiều bệnh nguy hiểm khác như: Bệnh lỵ amip, viêm gan, bệnh màng não cầu…

Vi khuẩn HP gây ung thư như thế nào?

Cậu bé 10 tuổi mắc ung thư dạ dày và lời cảnh tỉnh cho bố mẹ - 2

Hệ gen di truyền của vi khuẩn HP rất đa dạng. Trong đó, chỉ chủng HP có vùng nhiễm sắc thể 40 kb gọi là gen gây độc tế bào A (Cag A) mới có nguy cơ gây ung thư dạ dày.

Ở môi trường acid như dạ dày, vi khuẩn HP tồn tại bằng cách tiết ra một loại enzyme là Urease giúp nó trung hòa độ acid trong dạ dày. Một số vi khuẩn HP sử dụng các tiêm mao bơm độc tố được sinh tổng hợp nhờ gen Cag A vào các điểm tiếp nối của các tế bào nền niêm mạc dạ dày. Độc tố này làm thay đổi cấu trúc của các tế bào dạ dày và cho phép vi khuẩn bám vào chúng dễ dàng hơn. Tiếp xúc lâu dài với chất độc này làm dạ dày bị viêm mãn tính, vốn là yếu tố nguy cơ của ung thư.

Dấu hiệu cơ thể bị nhiễm khuẩn HP

Cậu bé 10 tuổi mắc ung thư dạ dày và lời cảnh tỉnh cho bố mẹ - 3

Bệnh nhân khi bị nhiễm vi khuẩn HP vẫn có thể sống khỏe mạnh và thường không xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, bệnh có thể gây ra các triệu chứng của viêm loét dạ dày, bao gồm: Đau bụng sau khi ăn, buồn nôn, mất cảm giác ngon miệng, ợ nóng thường xuyên, đầy hơi, hôi miệng, giảm cân không chủ ý.

Trường hợp nhiễm vi khuẩn HP lâu ngày, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng rõ rệt như cơn đau bụng dữ dội và dai dẳng, khó nuốt, phân lẫn máu hoặc có màu đen, nôn ra máu hoặc dung dịch nôn có màu đen hay trông như bã cà phê.

 Minh Nhật

Theo Aboluowang