Cắt tử cung hoàn toàn bằng kỹ thuật nội soi tiên tiến nhất
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã tiến hành một ca phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung và 2 phần phụ qua nội soi bằng hệ thống Hệ thống phòng mổ nội soi OR1 tiên tiến nhất thế giới.
Đây là hệ thống phòng mổ nội soi hiện đại nhất mà ngay cả các nước Châu Á cũng chỉ có một số trung tâm y tế lớn được trang bị. Phòng mổ nội soi hiện đại này có nhiều màn hình, cho phép toàn bộ kíp mổ quan sát hình ảnh trong phòng từ tất cả các hướng và có thể truyền hình ảnh ra ngoài, rất lý tưởng cho việc giảng dạy.
Bệnh nhân được phẫu thuật là chị Trần Thị Kim Hạnh (59 tuổi), bị tăng sản nội mạc tử cung đã được chỉ định phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn và 2 phần phụ qua nội soi. Theo BS Nguyễn Đình Tời, Khoa Sản Phụ của Vinmec thì “Với hệ thống phòng mổ OR1 hiện đại bậc nhất này, những ca mổ phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tử cung và phần phụ như trường hợp chị Hạnh sẽ giúp bệnh nhân ít sang chấn, hồi phục nhanh, để lại vết sẹo rất nhỏ và đặc biệt là độ an toàn rất cao so với phẫu thuật mổ mở thông thường. Không những thế, Vinmec sử dụng dao mổ nội soi siêu âm và dao hàn mạch, giúp ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, cầm máu tốt và giảm mất máu”. BS Tời cũng cho biết chị Hạnh được xác định bị tăng sản nội mạc tử cung với triệu chứng ra huyết kéo dài sau mãn kinh, cổ tử cung có tổn thương không điển hình kèm viêm và xét nghiệm tế bào học thì phiến đồ có tế bào vảy không điển hình (ASC). Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì tăng sản nội mạc tử cung sẽ biến chứng và có nguy cơ dẫn đến ung thư niêm mạc tử cung, khi đó, sẽ phải can thiệp bằng phẫu thuật và điều trị hoá chất.
Chị Trần Thị Kim Hạnh chia sẻ rằng trước khi đến Vinmec, chị đã từng khám tại một vài bệnh viện trung ương khác và có cùng kết quả là bị tăng sản nội mạc tử cung và đều được chỉ định phẫu thuật. “Sau khi tìm hiểu và cân nhắc, tôi quyết định lựa chọn phẫu thuật tại Vinmec vì biết bệnh viện có hệ thống trang thiết bị y tế tối tân nhất hiện nay”, chị Hạnh nói.
BS Nguyễn Đình Tời, Khoa Sản Phụ của Vinmec
Qua trường hợp chị Hạnh, BS Tời cảnh báo rằng tăng sản nội mạc tử cung không chỉ xuất hiện ở phụ nữ mãn kinh mà cũng thường xảy ra ở các phụ nữ trong thời kỳ thai nghén với dấu hiệu nhận biết như bị ra máu bất thường, niêm mạc tử cung dày...Do vậy, phụ nữ sau mãn kinh có triệu chứng ra huyết cần được khám và tư vấn bác sĩ phụ khoa để có chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Với phụ nữ sau mãn kinh không có triệu chứng ra máu cũng nên khám sức khỏe định kỳ và tầm soát để phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung để được chẩn đoán và xử lý ở giai đoạn sớm để có kết quả điều trị tốt nhất. Phẫu thuật nội soi cũng chỉ được tiến hành ở những trường hợp được phát hiện sớm. Ngoài ra, để phòng tránh căn bệnh này cũng như để kịp thời phát hiện các bệnh lý phụ khoa, BS Tời cũng khuyên phụ nữ ở mọi lứa tuổi nên khám phụ khoa định kỳ 1 đến 2 lần trong 1 năm.
Được biết, ở khoa Khoa Sản Phụ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, phẫu thuật nội soi thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân mắc một trong các bệnh về phụ khoa như: U xơ tử cung, U nang buồng trứng, Chửa ngoài dạ con, Vô sinh v.v...
Có thể nói dù mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm, nhưng với hệ thống trang thiết bị y tế tối tân cùng với đội ngũ y, bác sĩ… có chất lượng chuyên môn cao, Vinmec đã và đang tiếp nhận và xử lý rất nhiều ca bệnh khá khó, phức tạp. Điển hình nhất là ca phẫu thuật tách dính tay lần 1 cho cháu Hoàng Minh Ngọc, 4 tháng tuổi ở Hải Phòng, mắc Hội chứng Apert hiếm gặp vào giữa tháng 3 vừa qua và ca mổ bước đầu đã thành công tốt đẹp như dự kiến. Cháu Ngọc là trường hợp thứ 3 tại Việt Nam bị hội chứng này với nhiều dị tật như dính tay, chân, dị dạng sọ não và cháu sẽ còn phải trải qua nhiều giai đoạn phẫu thuật tiếp theo. Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, cho biết, Vinmec sẽ phối hợp với các chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế để thực hiện tất cả các ca phẫu thuật cho bé Ngọc, kể cả phẫu thuật hộp sọ - một loại phẫu thuật khá phức tạp, đòi hỏi quy tụ những bác sĩ đầu ngành của nhiều chuyên khoa cùng hợp tác mà trước đây 2 cháu bé bị Hội chứng Apert đã phải ra nước ngoài điều trị.