Cắt polyp giúp giảm 80% tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng

Tú Anh

(Dân trí) - Hội nội soi Nhật Bản khuyến cáo, khám sàng lọc và nội soi đại trực tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, đặc biệt cắt polyp qua nội soi giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc loại ung thư này.

TS.BS Bùi Ánh Tuyết, Trưởng khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện K cho biết,  ung thư đường tiêu hóa là bệnh ung thư thường gặp và là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt ung thư đại trực tràng đang có xu hướng tăng lên.

Ghi nhận ung thư 2018 tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở cả hai giới với số ca mắc mới là 14.733 và 7.856 trường hợp tử vong. Cũng theo thống kê của WHO, với nhóm bệnh nhân phát hiện bệnh giai đoạn sớm có tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 90%, bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn thì chỉ khoảng 10%.

Cắt polyp giúp giảm 80% tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng - 1

Theo ghi nhận tại bệnh viện K, hiện tại hơn 70% bệnh nhân ung thư đến khám ở giai đoạn muộn với các nhu cầu điều trị giảm đau và chăm sóc triệu chứng là chủ yếu. Việc bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám bệnh ở giai đoạn muộn khiến hiệu quả của việc chữa bệnh bị giảm rất nhiều.

Trong đó, việc không thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng, nội soi đại trực tràng khi qua tuổi 40 - 50 là phổ biến.

Theo khuyến cáo của hiệp hội nội soi Nhật Bản, khám sàng lọc và nội soi đại trực tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, đặc biệt cắt polyp qua nội soi giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng.

Theo các chuyên gia, polyp đại trực tràng bệnh lý tương đối phổ biến. Điều đáng mừng là phần lớn chúng thường không gây hại. Tuy nhiên, có một số loại polyp có khả năng phát triển thành ung thư nếu không được phát hiện kịp thời. 

Bản chất của polyp đại tràng không phải u, mà là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, tổn thương này do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới lớp niêm mạc tăng sinh tạo thành.

Vì thế, khi nội soi phát hiện polyp đại trực tràng bác sĩ thường chỉ định cắt bỏ polyp để loại trừ nguy cơ polyp rơi vào nhóm có thể tiến triển thành ung thư.

Tuy nhiên, khả năng polyp tiếp tục mọc lại kể từ lần cắt đầu tiên là 30%. Do đó, người bệnh cần lưu ý tái khám theo định kỳ. Đặc biệt, việc tái khám định kỳ bằng nội soi cũng là phương pháp quan trọng để phát hiện nguy cơ tiến triển ung thư.

Hầu hết các ca mắc ung thư đại trực tràng thường không có nguyên nhân rõ ràng, tuy nhiên những trường hợp sau có nguy cơ cao hơn ở những đối tượng sau: Ngoài 50 tuổi; Gia đình có tiền sử bị bệnh này; Có tiền sử polyp đại tràng; Đã từng mắc chứng viêm ruột; Có lối sống không lành mạnh.

Do đó, với những người có nguy cơ cao này, việc tái khám, nội soi đại trực tràng theo chỉ định của bác sĩ rất quan trọng để phát hiện sớm nguy cơ ung thư, can thiệp kịp thời.