Cặp vợ chồng bại liệt kể về hành trình “tìm con” rơi nước mắt
(Dân trí) - Với quyết tâm “có chết cũng phải được một lần làm mẹ”, cặp vợ chồng bại liệt phải ngồi xe lăn đó đã “hái trái ngọt” sau hành trình dài nhiều khó khăn, thậm chí đe dọa cả mạng sống để có thể mang thai, sinh con.
Câu chuyện được vợ chồng anh Lê Văn Năm (33 tuổi) và vợ, chị Trương Thị Hà (39 tuổi) chia sẻ tại hội thảo về Hỗ trợ sinh sản diễn ra ngày 19/8 khiến người nghe rơi nước mắt cảm phục nghị lực của đôi vợ chồng, thấy mừng khi chứng kiến anh chị vất vả nhưng hạnh phúc chăm đứa con 3,5 tháng.
Anh Năm phải ngồi xe lăn sau một tai nạn ngã cây khiến anh mất đi đôi chân từ năm 19 tuổi. Anh chia sẻ, với anh khi đó mọi thứ đều rất khó khăn. Bao nhiêu hoài bão, ước mơ đều sụp đổ, thậm chí có lần nghĩ quẩn anh đã muốn từ bỏ thế giới hiện tại, khi đôi chân không còn, phải gắn cả đời với chiếc xe lăn.
Thế rồi số phận đã run rủi để cho anh gặp chị Hà tại một lớp học tin học. Và rồi, mọi thứ đã thay đổi khi anh thấy bản thân Hà thiệt thòi hơn, bị bại liệt, rồi cả cong vẹo cột sống, hai tay rất yếu, ngồi xe lăn từ nhỏ nhưng vẫn đầy niềm tin vào cuộc sống, tương lai phía trước.
Hai con người đồng cảnh ngộ đã đồng cảm, chia sẻ rồi yêu thương nhau từ lúc nào không biết rồi họ quyết định tiến tới hôn nhân.
“Khi lập gia đình rồi, như một bản năng, khát khao làm mẹ trong tôi bùng lên mãnh liệt. Mình thèm muốn, ao ước có một đứa con. Không thể có con như những người bình thường, chúng tôi đã vượt qua rất nhiều áp lực “khó chăm bản thân sao có thể chăm con” để quyết định sẽ có một đứa con của riêng mình nhờ thụ tinh ống nghiệm”, chị Hà kể lại.
Ths.BS. Lê Thị Thu Hiền (BV Nam học và Hiếm muộn) chia sẻ, bà vẫn nhớ cặp vợ chồng đặc biệt lần đầu đến gặp bác sĩ xin tư vấn để sinh con cách đây 4 năm. Ngoài tình trạng sức khỏe rất đặc biệt do cả hai vợ chồng bị liệt, anh chồng cũng gặp vấn đề về tinh trùng bất động, dị dạng.
“Tôi đã nói với bệnh nhân những khó khăn gấp trăm, gấp vạn lần một người bình thường chị Hà có thể gặp phải khi mang thai, sinh con, nhưng hai vợ chồng vẫn khao khát đến mãnh liệt muốn có con. Tôi đã bị lay động trước khát khao làm mẹ của chị Hà và giờ tôi thực sự cảm phục sự nỗ lực gấp trăm, gấp nghìn lần người khác để có được mụn con như họ”, BS Hiền chia sẻ.
Khi được hỏi về những khó khăn, vất vả trong quá trình thụ tinh, mang thai và sinh con, chị Hà ngập ngừng hồi lâu mới chia sẻ. Theo chị Hà, không chỉ khó khăn khi đi lại đến viện mỗi lần vượt hàng trăm cây số, mà trong quá trình đó, không có sự giúp đỡ của các bác sĩ từ những việc nhỏ nhất, đó là bế lên giường bệnh để chọc trứng… anh chị sẽ không làm được.
Sau lần đầu thất bại, giữa năm 2016 anh chị mừng đến phát khóc khi bác sĩ thông báo có được 10 phôi.
“Lúc đó tôi mừng phát khóc mà phải cố kìm nén giọt nước mắt, để không ảnh hưởng đến tâm lý. Và ước mơ đã trở thành sự thật, sau 15 ngày đặt phôi, sau khi kiểm tra biết có thai, vợ chồng tôi lúc đó đã ôm nhau khóc vì hạnh phúc", chị Hà chia sẻ.
Đậu thai là một thành công, nhưng giữ thai cũng là một hành trình giữ thai đầy cam go của chị Hà. 3 tháng đầu sợ sẩy thai, chị Hà gần như nằm yên một chỗ. 3 tháng sau vẫn phải nằm giữ gìn vì sợ động thai. Đến 3 tháng sau thì bụng to vượt mặt, di chuyển xe lăn cũng khó… và vì quá lo lắng, chị Hà sinh non khi được 8 tháng.
“Bé sinh ngày 1/5/2017, khi sinh chỉ nặng 2,6kg. Mẹ cháu bị xẹp phổi vì phải nằm quá nhiều trong quá trình mang thai, nguy hiểm đến tính mạng phải cấp cứu. Con cũng có một chút vấn đề về hậu môn… Nhưng giờ, mọi việc đã ổn, con 3,5 tháng lanh lợi, ngoan ngoãn. Hai vợ chồng chăm con toát mồ hôi nhưng vui”, anh Năm tâm sự.
Chị Hà chia sẻ thêm, nếu không có chồng, chị chắc chỉ có thể “sinh con ra để đấy” mà không thể chăm con. Do tay chị yếu, không thể bế con nhiều, nhất là giờ bé đã nặng hơn.
Hàng ngày việc pha sữa, tã bỉm đều một tay anh lo liệu. “Mình chỉ ngồi bên “hót”, nựng con thôi. Còn có anh lo hết”, mắt chị Hà ánh lên niềm hạnh phúc khi kể về điều hạnh phúc vốn giản đơn với mọi người nhưng với chị lại quá tuyệt vời.
Hồng Hải