Cấp cứu ngoại viện: Bó tay trước nhiều thực tế

(Dân trí) - Có đến 5 bài toán thực tế cần lời giải cho tình hình cấp cứu ngoại viện hiện nay.

Ở Việt Nam hiện nay, tai nạn xảy ra ngày càng nhiều từ nhiều lý do nào là tai nạn do giao thông, do xây dựng hay do sản xuất…Chỉ với vấn đề tai nạn giao thông mà đã làm cho cả xã hội phải xem như là 1 đại hoạ, chứ chưa kể đến tai nạn của biết bao lý do khác. Chính vì đó cấp cứu là một vấn đề cần, Sở y tế TPHCM đã kết hợp cùng Hội Humacoop và Trung tâm cấp cứu thành phố Grenoble (Pháp) đã có chương trình hội thảo giúp cho ngành y tế  có sự chuẩn bị tốt cho vấn đề này.

 

“Sự nhiệt tình nhưng không chuyên nghiệp của những người giúp cấp cứu ban đầu đã làm tăng mức độ trầm trọng của vết thương, đặc biệt đối với các chấn thương ở vùng đầu sọ, cột sống cổ, ngực bụng, do bị gẫy xương hay vết thương trên các chi”. Phó giáo sư Bác sĩ Võ Thành Phụng, BV Chấn Thương Chỉnh Hình TPHCM, đã nhận định như thế về vai trò của người giúp cấp cứu và ông đã đưa ra ý tưởng thành lập môn học “Cấp cứu ngoại viện”, đây chỉ là 1 trong những đề xuất của ông trước tình hình cấp cứu đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

 

5 bài toán đặt ra:

- Tai nạn chấn thương ngày càng nhiều, nạn nhân nếu may mắn được cấp cứu tại hiện trường thì lại gặp những người không chuyên nghiệp.

- Phương tiện vận chuyển cấp cứu thiếu

- Nếu có xe thì vấn đề vận chuyển đường bộ lại gặp trở ngại do tình hình kẹt xe ngày càng nặng nề.

- Chưa có được sự phối hợp của nhiều ngành cho việc cấp cứu bình thường chứ chưa nói đến khi phải cấp cứu thảm hoạ, dịch bệnh.

Thực tế người dân cùng các tổ chức cơ quan đều biết sử dụng tổng đài 115 để gọi cấp cứu, nhưng khi xe chưa đến có người nóng lòng đã tuỳ tiện xốc đỡ nạn nhân lên phương tiện có sẵn như xe gắn máy, xe ba bánh, taxi…, từ đó có thể làm tổn thương nặng hơn cho người bị nạn.

 

Do đó, vấn đề chăm sóc nạn nhân ngay tại hiện trường trước khi đến nơi cấp cứu là rất cần thiết, trong giai đoạn này ta cần làm các việc như cầm máu, giúp cho nạn nhân dễ thở, nhưng đa số lại không biết là không được để quá 10 phút, mà phải đưa nạn nhân đi đến nơi cấp cứu liền.

 

Thêm nữa hiện nay cả nước chỉ có 4 trung tâm có tổng đài cấp cứu 115, cả phương tiện vận chuyển người bị nạn hiện nay cũng thiếu trầm trọng, trung bình một ngày có từ 60 đến 70 cuộc gọi cấp cứu, mà nhân viên và xe chuyên dùng cho cấp cứu cũng không đủ để cung ứng.

 

Trong danh mục xin duyệt mua sắm 2007, Sở Y tế TPHCM xin cho mỗi quận huyện 2 xe cấp cứu, nhưng sợ sẽ bị cắt bớt, Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở đã phải năn nỉ bộ phận xét duyệt xin đừng cắt, vì 1 chiếc đi thì còn 1 chiếc để trực khi có cần.

 

Bác sĩ Lê thị Cúc, Phó Giám đốc BV CC Trưng Vương cho biết: “ Toàn thành phố có 170 xe cấp cứu, khi cần thiết có thể huy động được từ 50 đến 100 xe. Dù vậy do vấn đề chưa có sự phối hợp giữa các ban ngành nên việc tổ chức một hệ thống chuyên nghiệp cứu thương và vận chuyển là một nhu cầu cấp bách”.

 

Nhưng cũng như bác sĩ Võ Thành Phụng, bà nhận định giao thông thường xuyên tắt nghẽn đã làm ảnh hưởng trầm trọng đến công tác cấp cứu , ngoài ra địa chỉ lộn xộn cũng góp phần khó khăn cho việc tìm ra nơi cần cấp cứu.

 

Ngọc Thanh