1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cấp cứu: Không tiền là... chết?

“Trời ơi, sao không cứu giùm con tôi với!”. Tiếng gào khóc của người phụ nữ có đứa con trai duy nhất đang thập tử nhất sinh tại Phòng Cấp cứu Bệnh viện (BV) 115 khiến ai cũng phải xót thương. Bà vừa khóc, vừa quỳ lạy trong khi các nhân viên ca trực thì vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.

Không hỏi một câu

 

Bị tông bất ngờ từ phía sau, chị Đặng Thị Tây Ninh (ngụ 129 lô A, chung cư Vườn Lài, quận Tân Phú) té xuống đường bất tỉnh. Người xe ôm tốt bụng đưa giúp chị vào BV Nhân dân 115.

 

Tại phòng cấp cứu, chị nằm bất động hàng giờ nhưng tuyệt nhiên không một nhân viên y tế nào để mắt đến. Hơn một giờ sau, chị tỉnh dậy và gọi báo cho người bạn. Khi người bạn này đến, một nhân viên mới mở lời: “Người nhà dẫn bệnh nhân qua bên kia chụp hình đi”.

 

Bác sĩ xác định chị Ninh bị gãy xương vai, ghi một toa thuốc và yêu cầu một tuần sau quay trở lại tái khám. “Từ lúc vào cấp cứu cho đến lúc về, không ai thèm hỏi một câu. Tức quá, hỏi ông bác sĩ H. thì ổng mới dặn nên đi thẳng lưng, ưỡn ngực, ngủ kê gối phía dưới vai”. Kể lại chuyện, chị Ninh vẫn còn ấm ức: “Phải chi nằm đâu đó ngoài đường không tức, đằng này đã vô tới bệnh viện, nằm hàng giờ mà không ai thèm hỏi. Rõ ràng là vô trách  nhiệm”.

 

Khoảng 1h30 ngày 12/9, chị Nguyễn Thị Hoài Thương (số 27 đường XVNT, TP Vũng Tàu) được đưa vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy. Nạn nhân bị mất nhiều máu vì vết thương dài gần 10cm ở đầu, thế nhưng phải nằm đợi hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ vẫn không ai ngó ngàng. Anh Phước, người nhà của bệnh nhân, đã tế nhị gởi tiền “trà nước” cho 2 cô nhân viên. Sau đó, tình hình có khá hơn: thỉnh thoảng các nhân viên này mới đến hỏi han và liếc qua một chút. Anh Phước cho biết: “Phải đợi đến 4h30 sáng, bác sĩ mới khâu vết thương hơn 10 mũi”.

 

Cũng tại Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy lúc 20h 45 phút ngày 17/9, chị Trần Thị Kim Hường, ngụ 907/37 đường Lò Gốm, P5, Q6 vừa lấy nước đá chườm lên hai cánh tay vừa kể: “Tôi vô gặp bác sĩ tên M., chưa kịp dòm qua ông đã bảo bây giờ làm giấy tờ chờ lâu lắm, chị ra ngoài mua nước đá chườm đi”. Anh Nguyễn Văn Giao, em rể của chị Hường, bức xúc: “Là người bị nạn đến gặp bác sĩ thì phải được xem xét, điều trị. Vậy mà bác sĩ dòm qua một cái rồi bảo ra ngoài tự mua nước đá mà chườm. Nếu vậy, vô bệnh viện làm gì?”.

 

Không giống những người  dân quê khác đi nuôi bệnh, bà Nguyễn Thị Đâu, ngụ huyện Tân Thạnh, Long An có vẻ rành rẽ các bệnh viện. Có người quen ư  Không. “Những lần trước, tui thường kiếm bác sĩ trực ca đó, nhờ ổng và gởi tiền “bồi dưỡng” là yên tâm chứ không thể ngồi đó chờ được”. Làm sao biết bác sĩ nào trực, bác sĩ nào mổ? “Hỏi mấy ông bảo vệ, mấy bà y tá biết liền chứ gì”, bà Đâu trả lời.

 

Không tiền không... cứu người?

 

Dư luận vẫn chưa quên cái chết thương tâm của con gái anh Tất Cường, nhà báo công tác tại Ban đại diện Báo Nhân Dân tại TPHCM. Vợ chồng anh có cô con gái duy nhất tên Nguyễn Linh Phương, 21 tuổi, học năm thứ 3 Trường Đại học Kinh tế, bị bệnh sốt xuất huyết. Gia đình đưa cháu đến BV Hoàn Mỹ điều trị 5 ngày nhưng tình trạng sức khỏe càng xấu đi.

 

Không đồng ý với cách điều trị của BV, vợ chồng anh xin chuyển viện và được các bác sĩ tại đây… ra giá: “Phải thanh toán 9 triệu đồng tiền thuốc và viện phí mới được chuyển đi”. Móc hết túi, hai vợ chồng chỉ đủ 4 triệu đồng và xin thế chân giấy tờ của anh gồm CMND, thẻ nhà báo… nhưng BV vẫn không chấp nhận.

 

Cuối cùng, vợ chồng anh phải gọi điện đi khắp nơi nhờ can thiệp, con anh mới được chuyển đi. Nhưng chỉ ra khỏi bệnh viện vài cây số thì cháu Phương đã qua đời.

 

Trường hợp trên không phải là hiếm. Mới đây, vào đầu tháng 7, tại cơ sở 2 BV Hoàn Mỹ (số 4 Hoàng Việt, Tân Bình) có trường hợp của ông Phạm Minh Đức (nguyên Trưởng ban Tài chính - Quản trị Thành ủy), tới khám bệnh rồi… tử vong. Ông Đức đến BV để chụp động mạch vành với chi phí 6 triệu đồng. Vào phòng chụp được ít phút, bác sĩ nói với con gái ông rằng phải đặt stent. Nghe lời, người nhà nộp cho BV 36 triệu đồng nữa, để rồi chỉ chưa đầy một tiếng sau… nhận xác ông Đức về mai táng.

 

Trong những ngày đi thực tế tại các BV, chúng tôi còn được chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng. Tại BV Chợ Rẫy tối 13/9, chúng tôi được người nhà anh Nguyễn Quốc Vĩnh (SN 1976, ngụ tại quận 7) kể về tai nạn xảy ra cho anh và một người thợ máy tên Tư do bị cốt máy gãy, văng vào. Sau khi sơ cứu, gia đình liền chuyển vào BV Pháp - Việt cách nhà chỉ vài trăm mét. Khi vào phòng cấp cứu, BV ra giá: “50 triệu cho mỗi người điều trị trong 10 ngày”. Thấy không kham nổi, gia đình xin làm thủ tục chuyển viện, nhưng chỉ có anh Vĩnh còn thoi thóp thở, anh Tư thì  không qua khỏi.

 

Muốn chuyển anh Vĩnh qua BV Chợ Rẫy, gia đình phải đóng “viện phí” và chi phí giữ xác anh Thành hơn 2 triệu đồng. Một ngày sau quay lại BV Chợ Rẫy tìm gặp anh Vĩnh, với vẻ mặt còn thất thần, chị Hằng, vợ anh, cho biết: “Giờ thì chồng em đã qua cơn nguy kịch. Cũng may, đêm qua gia đình chạy lo đủ tiền đóng mới được mổ ngay, không thì chết rồi”.

 

16h30 ngày 17/9, tại Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, một chiếc taxi chở đến một cô gái trẻ với khuôn mặt bê bết máu. 2 nhân viên y tế chuyển cô vào phòng chờ. Gần 20 phút sau, một bác sĩ mới hướng dẫn gia đình viết phiếu nhập viện. Cô gái tên Châu Thị Tuyết Ngân (139 Ngô Đức Kế, Bình Thạnh) bị đụng xe, đưa vào cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh. Bà Nguyễn Thị Hường, bà nội của cô, sốt ruột hỏi bác sĩ trực và được giải thích: “Đóng tiền chụp xi-ti (CT) xem kết quả thế nào mới giải quyết được”.

 

15 phút sau, gia đình nộp 1 triệu đồng và chờ thêm từng ấy thời gian nữa, cô gái mới được đẩy vào phòng cấp cứu. Đến 17h, chiếc xe cấp cứu mang biển số 51F-2241 của BV Trưng Vương chuyển bệnh nhân tên Nguyễn Ngọc Tùng - cũng bị tai nạn giao thông đến cấp cứu tại BV Chợ Rẫy. Trên người và vùng đầu của bệnh nhân sưng vù, bê bết máu. Đây là trường hợp chuyển viện và mặc dù anh Tùng đã được BV Trưng Vương cho chụp CT, song thủ tục nhập viện và nằm chờ tại phòng cấp cứu cũng mất nửa tiếng đồng hồ.

 

Tại khu vực tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu của BV Chợ Rẫy, chỉ có 4 nhân viên y tế vừa hướng dẫn làm thủ tục nhập viện, vừa khám, kiểm tra và xác định tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Xem danh sách bệnh nhân trong ngày 13/9, chúng tôi đếm có đến 206 trường hợp nhập viện. Bệnh nhân chưa được chăm sóc đúng mức do tình trạng “quá tải” này hay do thái độ thiếu tận tình của bệnh viện?

 

Theo Hoài Nam - Minh An

 Sài Gòn giải phóng