Cánh mày râu “yếu”… vì mất kẽm
(Dân trí) - Mất kẽm thường xuyên nhưng lại không được bổ sung, nhiều quý ông uống đủ các loại rượu bìm bịp, tắc kè, rắn, ba kích…với mong muốn “1 người uống 2 người vui”. Thế nhưng đâu vẫn hoàn đó, bởi nguyên nhân thực sự gây thiếu kẽm thì vẫn chưa được khắc phục.
Đừng "no dồn đói góp"
Ths.BS Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) tếu táo: “Hiện giờ phòng khám nam khoa mọc lên như nấm sau mưa. “Chuyện ấy” của quý ông liên quan nhiều vấn đề, nhưng chúng tôi đề nghị đưa phác đồ kẽm vào điều trị nam khoa, vì nam giới thường xuyên mất kẽm nhưng lại không được bổ sung đầy đủ, đây cũng là một trong những căn nguyên khiến quý ông bị suy giảm ham muốn”.
Theo đó, kẽm là vi chất không chỉ quan trọng cho trẻ em, phụ nữ mà rất quan trọng với quý ông. Kẽm điều hòa testosteron, có vai trò thiết yếu cho sản sinh tinh trùng ở nam giới. Kẽm ảnh hưởng rất nhiều đến “chuyện ấy” của đàn ông, vì thế quý ông luôn mong muốn ăn nhiều hải sản, đặc biệt là hàu để tăng sung mãn.
Nhưng thực thế, nhu cầu kẽm cần được hấp thu hàng ngày để duy trì sự khỏe mạnh cho cơ thể, không thể kiểu “no dồn đối góp”, ăn hải sản 1 ngày dùng cho 10 ngày mà cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để bổ sung kẽm đầy đủ.
Trong khi đó, đàn ông thường xuyên mất kẽm do vi chất dinh dưỡng này tập trung nhiều nhất ở tinh dịch và tuyến tiền liệt. Vì thế, sự “mất đi” của kẽm nhưng lại không được bù đắp, tình trạng thiếu kẽm trường diễn có thể khiến nam giới mất khả năng sinh sản, ở lứa tuổi dậy thì thiếu kẽm làm chậm dậy thì, thiểu năng sinh dục.
Tuy nhiên dấu hiệu thiếu kẽm lại rất kín đáo, không điển hình. Có thể chẩn đoán thiếu kẽm thông qua việc định lượng nồng độ của Kẽm trong huyết tương hoặc dựa vào dấu hiệu lâm sàng của các bệnh lý liên quan với sự thiếu Kẽm.
Bữa ăn người Việt còn thiếu kẽm
Theo khuyến nghị của Bộ Y tế, nhu cầu kẽm cho người trưởng thành là 4,2 – 14mg/ngày tùy theo khả năng hấp thụ tốt hay kém. Tuy nhiên, trong khẩu phần ăn của người Việt mới đáp ứng 56% nhu cầu về kẽm, do thiếu các thực phẩm giàu kẽm, chất lượng của bữa ăn kém, thiếu thức ăn có nguồn gốc động vật.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, chuyên gia tại Viện Dinh Dưỡng, kẽm giàu trong hải sản, thịt bò, gà, thịt lợn, trứng, rau củ có màu vàng đậm. Vì thế, hãy bổ sung kẽm hàng ngày bằng cách ăn đủ khẩu phần với các thực phẩm giàu kẽm này.
“Còn có uống rượu bìm bịp, tắc kè, rắn, ba kích…như nhiều quý ông đang làm, với mong muốn 1 người uống 2 người vui thì cũng chỉ giải quyết phần ngọn, bởi nguyên nhân thiếu kẽm vẫn còn ở đó nếu không biết bổ sung dinh dưỡng đúng cách”, BS Khánh Vân cho biết.
BS Vân cho biết thêm, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng tốt nhất là qua nguồn thực phẩm. Trong trường hợp muốn bổ sung vi chất dinh dưỡng, đặc biệt ở dạng chế phẩm thuốc với đặc trưng liều cao khi sử dụng cần có hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý bổ sung bởi bổ sổ sung kẽm hay bất kì loại vi chất dinh dưỡng nào, cơ thể đều có nhu cầu nhất định. Việc thiếu hoặc vượt quá nhu cầu đều không có tác dụng tốt với cơ thể.
Hồng Hải