Cảnh giác với ung thư lưỡi nếu bỗng dưng loét, có niêm mạc trắng

Tú Anh

(Dân trí) - Ở giai đoạn đầu của ung thư lưỡi, các triệu chứng thường không rõ nên rất dễ bị bỏ qua. Người bệnh cảm thấy như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi; có nốt phồng thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng.

Theo Bệnh viện K, ung thư lưỡi chủ yếu gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Thống kê của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ cho thấy trên toàn thế giới hàng năm có khoảng 263.900 ca mới mắc và khoảng 128.000 trường hợp tử vong. Tại Mỹ, năm 2009 có 10.530 trường hợp ung thư mới mắc, 1900 trường hợp tử vong.

Tại Bệnh viện K vài năm gần đây số ca ung thư lưỡi ngày càng gia tăng.

Đáng nói, ở giai đoạn đầu, các triệu chứng thường không rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Thường người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh.

Cảnh giác với ung thư lưỡi nếu bỗng dưng loét, có niêm mạc trắng - 1

Ở giai đoạn đầu, ung thư lưỡi rất dễ bị bỏ qua vì triệu chứng không rõ ràng (Ảnh: Bệnh viện K).

Ngoài ra, ở lưỡi có một điểm nổi phồng với sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Thậm chí có thể sờ thấy tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường.

Khoảng 50% bệnh nhân có hạch ngay từ đầu. Hạch hay gặp là hạch dưới cằm, dưới hàm. Khả năng di căn hạch vùng từ 15-75% tùy thuộc vào độ xâm lấn của u nguyên phát.

Ở giai đoạn toàn phát, biểu hiện sẽ rõ ràng hơn khi người bệnh đau lúc ăn uống, khó khăn khi nói, nuốt...

Hầu hết các trường hợp người bệnh mắc ung thư lưỡi không tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh nhưng người ta cho rằng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh bao gồm:

Hút thuốc lá: Nghiên cứu của Gehanno cho thấy nếu hút 15 điếu / ngày kéo dài 20 năm, nguy cơ mắc bệnh ung thư cao gấp 5 lần so với người không hút.

Rượu: Nếu hút thuốc và uống rượu thì nguy cơ mắc ung thư đầu mặt cổ tăng lên 10-15 lần.

Nhai trầu: Là yếu tố nguy cơ trong ung thư khoang miệng. Người nhai trầu có nguy cơ mắc cao gấp 4-35 lần so với người không nhai trầu. 

Tình trạng vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng kém, hàm răng giả không tốt, răng mẻ kích thích lâu ngày đưa đến dị sản và ung thư.

Nhiễm vi sinh vật: Nhiễm virus HPV, đặc biệt là type 2, 11, 16 đã được chứng minh là thấy nhiều trong những bệnh nhân bị ung thư khoang miệng.

Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D, sắt, hoa quả cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh UT khoang miệng.

Ung thư lưỡi được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng trên nhưng quan trọng nhất là sinh thiết u để có thể xác định chính xác. Ngoài ra người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm khác để chẩn đoán giai đoạn bệnh như: xét nghiệm tế bào học tại hạch cổ, chụp Xquang xương hàm dưới, Xquang tim phổi, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, cộng hưởng từ sọ não, xạ hình xương, PET/CT... để đánh giá tình trạng di căn.

Theo các chuyên gia, ung thư lưỡi có thể được phát hiện, chẩn đoán sớm. Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, vết loét lâu liền, có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc vết loét nhỏ; nhai nuốt mất cảm giác... cần đi khám sớm.