1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cảnh giác với bệnh não mô cầu

(Dân trí) - Trong thời gian qua, ở một số địa phương từ Bắc, Trung Nam đều có bệnh nhân bị não mô cầu. Tỷ lệ tử vong do não mô cầu khá cao, từ 5 - 10%. Do vậy, cần nhận biết sớm những dấu hiệu trẻ bị não mô cầu để tránh những biến chứng nặng nề cho trẻ.

TS Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện mỗi tuần Bệnh viện Nhi T.Ư và Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã có tới 5-7 ca mắc viêm màng não do não mô cầu nhập viện điều trị, cá biệt có tuần số người nhập viện lên tới 10 - 15 ca. Tuy nhiên, ông Đính cũng khẳng định, ở miền Bắc chưa có dịch viêm não do não mô cầu dù tỷ lệ này có tăng đôi chút so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Bệnh lây truyền nhanh

 

Não mô cầu (màng não cầu) là bệnh nhiễm khuẩn, hay gặp ở trẻ em và phát triển mạnh nhất vào mùa xuân. Bình thường, virus gây bệnh não mô cầu có thể nằm trong họng người khoẻ mạnh nhưng không có hiểu hiện bệnh lý. Khi có yếu tố thuận lợi (trẻ đang ốm hay những người có cơ địa yếu) virus sẽ phát bệnh. Khi bị virus tấn công, đầu tiên, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, nguy hiểm hơn, nó sẽ theo đường máu lên não gây viêm màng não (còn gọi là viêm màng não mủ)…

 

Não mô cầu thường xảy ra ở trẻ em trên dưới 10 tuổi và có tốc độ lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Bệnh rất nguy hiểm bởi tính chất lây truyền của nó, nếu một trẻ bị não mô cầu được phát hiện thì nguy cơ xung quanh bệnh nhi này có tới hàng trăm đứa trẻ đã bị virus não mô cầu xâm nhập và cư trú trong họng. Nếu trẻ nào có sức đề kháng yếu, bị nhiễm lạnh hoặc đang bị các bệnh về đường hô hấp thì dễ dàng bị virus não mô cầu tấn công và gây bệnh.

 

Não mô cầu phát triển nhanh trong môi trường và điều kiện sống đông đúc, chật hẹp. Đặc biệt mùa đông xuân, tiết thời ẩm, lạnh là môi trường lý tưởng để virus não mô cầu tồn tại và lây lan rộng. Trẻ bị bệnh não mô cầu có tỷ lệ tử vong cao, từ 5 - 10%.

 

Biểu hiện của bệnh

 

Khi bị virus não mô cầu tấn công, đầu tiên, bệnh nhân sẽ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Do vậy, những đặc điểm của viêm não mô cầu khá giống với biểu hiện của viêm đường hô hấp thông thường nên khó chẩn đoán.

 

Theo ông Đính, trẻ bị não mô cầu có những dấu hiệu cấp tính sau: Sốt cao, đau họng, chán ăn, buồn nôn, nôn, táo bón (ở trẻ lớn hoặc người lớn), tiêu chảy (ở trẻ nhỏ). Ngoài ra phải kể đến những dấu hiệu rất đặc trưng của bệnh, đó là trên da bệnh nhân sẽ xuất hiện ban xuất huyết hoại tử, bệnh nhân lơ mơ, li bì hoặc hôn mê. Bệnh nhân cũng có nguy cơ truỵ tim mạch trong những ngày đầu mắc bệnh do một khối lượng lớn vi khuẩn xâm nhập vào máu. Khi đó, bệnh nhân rất dễ tử vong.

 

Ngoài ra, bệnh não mô cầu có thể để lại những biến chứng rất nguy hiểm, nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Khi virus xâm nhập vào đường máu và tấn công lên não thì nguy cơ trẻ bị viêm màng não là rất lớn, khi đó, sẽ để lại những biến chứng nặng nề cho trẻ: làm ảnh hưởng đến các dây thần kinh cảm giác dẫn đến liệt các cơ quan vận động, liệt cơ, liệt mặt, thậm chí bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng huyết khiến tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời.

 

Tiêm văcxin để phòng bệnh

 

Nên tiêm văcxin phòng não mô cầu cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Khi phát hiện trẻ bị bệnh, cần nhanh chóng đưa trẻ đến viện và tránh tiếp xúc với người bệnh. Nếu buộc phải tiếp xúc cần đeo khẩu trang an toàn và phải uống thuốc phòng bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

 

Nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn khoa học, thể dục thể thao. Thường xuyên sát khuẩn đường mũi, họng bằng dung dịch sát khuẩn. Với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể dùng khăn mềm nhúng vào nước sôi để nguội (cũng có thể pha muối nhạt) lau thật sạch bên trong miệng, lưỡi trước khi cho trẻ ăn. Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở và vệ sinh ăn uống là điều kiện đảm bảo các ca bệnh lẻ tẻ không bùng phát thành dịch lớn.

 

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm