Trung Quốc:
Cảnh báo về dược liệu ngâm chân
(Dân trí) - Ngâm chân, mát xa chân rất có ích cho sức khỏe, giúp chúng ta kích thích tuần hoàn máu, xóa bớt đi mệt mỏi sau một ngày làm việc và đặc biệt thích hợp trong mùa đông lạnh. Tuy nhiên các loại dược liệu ngâm chân trên thị trường có thực sự tin tưởng?
Dược liệu có chức năng đa dạng
Chỉ cần vào một cửa hàng mát xa chân nào ở Bắc Kinh làm mát xa chân với mức phí khoảng 88 tệ (260.000 đồng) đều sẽ được lựa chọn 1 trong các gói dược liệu ngâm chân có ghi các thành phần thuốc quý như: “Trung Hoa Thận Tinh” hoặc được đảm bảo như “Dược phẩm do dược sư cao cấp chế biến”; “Sản phẩm đề cử cho công trình sức khỏe y học sinh vật quốc tế”. Thành phần trong dược liệu là các loại thuốc quý như đông trùng hạ thảo, cẩu khởi, miêu tu thảo (cỏ mèo), xa tiền tử, tỏa dương… với mười mấy công dụng như “thải trừ độc tố cho thận, thanh lọc nước tiểu, mạnh khỏe tráng dương…” phù hợp sử dụng với nhiều loại người bênh như viêm thận cấp mãn tính, sỏi thận, chứng niệu độc, viêm nhiễm niệu đạo, bệnh tiểu đường….
Khi ngâm chân, các nhân viên kết hợp với một số động tác mát xa như đấm lưng, bóp vai, kéo dây chằng cánh tay…
Dược liệu quý đắt giả chỉ 3 tệ
Thuốc ngâm chân trên thị trường Trung Quốc rất phổ biến, chì cần vào chợ hay bất cứ siêu thị, cửa hàng nào đều bày sản phẩm này, từ gói thuốc đến tinh dầu, từ điều trị phụ khoa, hôi chân đến giảm béo, tráng dương… với giá chỉ 3 – 6 tệ (khoảng 10.000 – 20.000 đồng). Tuy nhiên, cũng gói thuốc đó, vào đến trung tâm mát xa giá đã là 100 tệ.
Chủ nhiệm khoa mát xa bệnh viện Đông Trực Môn thuộc đại học Dược Đông y Bắc Kinh- ông Lưu Trường Tín cho biết, dưới chân của chúng ta có nhiều huyệt đạo, là khu phản xạ của các bộ phận trong cơ thể do đó mát xa chân giúp chăm sóc sức khoẻ. Còn việc dùng thuốc ngâm thì cơ bản da bàn chân không hấp thụ được. Muốn hiệu quả, phải ngâm toàn bộ đôi chân và phải phối hợp dược liệu một cách bài bản.
Những loại thuốc ngâm chân có giá vài tệ thì những thành phần quý trong gói thuốc đó chắc chắn rất ít, không đủ để da hấp thụ. “Vì vậy, người tiêu dùng không nên tin tưởng vào những công hiệu quảng cáo đó, cũng đừng mong có thể trị bệnh, hãy xem ngâm chân như một hình thức thư giãn là được”, ông Tín nói.
Dương Hằng
Theo people