Cảnh báo từ một ca giun não phức tạp
Bệnh nhân Đỗ Quốc T., 18 tuổi quê ở Ninh Xá, Bắc Ninh, nhập viện Trường ĐH Y Dược Huế trong tình trạng: thường xuyên bị nhức đầu, trí nhớ giảm rõ rệt, hai mắt đều bị mờ, mí mắt bên trái bị sụp và liệt nhẹ nửa người bên trái.
Đỗ Quốc T. cho biết: anh đã được gia đình đưa đến khám ở Hà Nội. Tại đây anh đã làm một số xét nghiệm cận lâm sàng và có dùng tới các phương tiện chẩn đoán cần thiết như: chụp cắt lớp sọ não, chụp cộng hưởng từ sọ não. Kết quả chụp cắt lớp và cộng hưởng từ cho thấy trong vùng hạ đồi và não thất bên trái có một khối u kích thước 30,2x20,4mm. Khối u này chèn ép trung não, gây úng thủy não.
Với kết quả xét nghiệm này, chẩn đoán ban đầu nghi anh T. bị ung thư.
Được sự giới thiệu, anh T. đến khám tại BV Trường ĐH Y dược Huế. Ngay lập tức các bác sĩ ở TT Kỹ thuật dao gamma và bác sĩ chuyên khoa ký sinh trùng đã tiến hành hội chẩn.
Sau khi nghiên cứu thực trạng bệnh nhân, nghiên cứu về yếu tố dịch tễ, hình ảnh chụp cộng hưởng từ ở não và xét các dấu hiệu lâm sàng hiện tại trên bệnh nhân như: lác mắt, hai mắt mờ, liệt nhẹ nửa người bên trái. Các thầy thuốc đã loại trừ anh T. bị ung thư như chẩn đoán ban đầu, không loại trừ các loại bệnh ký sinh trùng hiếm lạc từ động vật chủ sang người.
Sau đó, các bác sĩ cho làm một số xét nghiệm cần thiết về máu, khám mắt, xét nghiệm ký sinh trùng ở phân, kỹ thuật Elisa huyết thanh, chụp cộng hưởng từ sọ não. Kết quả thí nghiệm cho thấy công thức máu: BClinpho Toxocara Canis (giun đũa nhỏ ký sinh ở chó) dương tính nồng độ 1/600. Bệnh nhân chụp cộng hưởng từ sọ não phát hiện khối u 1x1,5x1,5 cm ở thân não. Khám mắt: mắt trái 3/10, mắt phải 5/10.
Thực hiện xong các xét nghiệm và khám lại bệnh nhân, các bác sĩ ở Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế khẳng định anh T. bị ký sinh trùng hiếm lạc từ động vật chủ sang người. Các bác sĩ thống nhất không dùng dao gamma mổ khối u mà dựa vào những dữ liệu trên thống nhất điều trị theo hướng nhiễm ký sinh trùng. Các bác sĩ đã nhất trí tiến hành điều trị theo phương pháp nội khoa dùng thuốc đặc hiệu về ký sinh trùng albendazol 500mgx21 ngày phối hợp với prendnisolon, Mg B6, stugeron, vitamin C liều cao (theo chỉ định cụ thể). Tiến hành liệu trình điều trị gồm 2 đợt, mỗi đợt 21 ngày, cách nhau một tuần.
Sau 2 đợt điều trị, bệnh nhân tái khám đã cho kết quả khả quan:
Thể trạng bệnh nhân tốt, ăn ngủ bình thường và không còn bị nhức đầu, mắt nhìn rõ, không còn thấy 2 hình khi nhìn bất kỳ vật nào, mí mắt trái còn sụp nhẹ. Đặc biệt mắt được hồi phục tốt: mắt trái 10/10, mắt phải 10/10. Vận động mi mắt, nhãn cầu tốt, thị trường đối chiếu không phát hiện tổn thương. Soi đáy mắt: gai thị, mạch máu, võng mạc bình thường. Bệnh nhân vận động hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu liệt nửa người như trước khi điều trị.
Đáng mừng hơn khi cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ sọ não: khối u và thân ở cuống não trái đã thoái triển, giảm kích thước so với trước từ 1x1,5x1,5cm còn lại 1x0,5x1,5cm. Phù não quanh u và hiệu ứng choán chỗ giảm đáng kể.
Kiểm tra các vị trí ở các thùy khác như tiền não, màng não, không thấy bất thường, trong khi thương tổn ở thân cầu não trái giảm đáng kể. Hơn hết là bệnh nhân sinh hoạt, học tập trở lại bình thường.
TS.BS. Trương Quang Ánh, Khoa ký sinh trùng - BV Đại học Y dược Huế cho biết: đây là trường hợp bệnh lý ký sinh trùng rất hiếm gặp ở người. Bởi vì giun đũa chó thường ký sinh ở chó là chủ yếu. Trong trường hợp lạc sang người gọi là hiện tượng lạc chủ. Khi vào người, ấu trùng giun đũa chó chủ yếu xâm nhập theo đường tiêu hóa như thức ăn, nước uống, sau đó xuống ruột xuyên qua thành ruột theo đường máu đến cư ngụ ở gan gây những u (kite) ở gan, ở não... Những khối u ở não chèn ép não, gây liệt cho bệnh nhân và những hiệu ứng lâm sàng nói trên. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bằng thuốc đặc hiệu, ký sinh trùng sẽ dẫn đến tử vong cho bệnh nhân. Ăn chín uống sôi là biện pháp căn bản ngăn ngừa lây nhiễm giun, sán.
Theo Nguyễn Quang Hà
Sức khỏe & Đời sống