Cảnh báo: Thực phẩm khô chứa đầy chất bảo quản độc hại
Các nhà chuyên môn khuyên rằng khi mua tôm cá khô, người tiêu dùng nên chọn lựa những sản phẩm không bị vụn nát, không có mùi lạ, có màu sắc tự nhiên; và phải rửa thật kỹ trước khi chế biến.
Những con cá khô, những bịch tôm khô đỏ au... trông thật ngon mắt. Nhưng hãy coi chừng, nhiều loại thực phẩm khô đang được ướp “gia vị” là chất bảo quản, trong đó có không ít loại khá độc hại.
Tại một cơ sở sản xuất cá khô ở xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa- Vũng Tàu, sản phẩm phổ biến là cá lù đù, cá hồng, cá chỉ vàng, cá mối... Người quản lý cho biết, hàng khô thường được để lâu và đem đi xa nên phải tẩm ướp rất kỹ, nếu không chỉ vài ngày là hỏng, không bán được. Do cá khô rất dễ bị kiến đục nên phải xịt thuốc chống kiến. Sau 3 ngày, thuốc bay hơi hết nên khi đưa hàng ra chợ, người ta vẫn phải tiếp tục xịt thuốc diệt kiến. Hàng càng để lâu càng phải xịt nhiều thuốc.
Theo giới kinh doanh thực phẩm khô, tôm khô cũng thường được tẩm ướp hóa chất khá nhiều. Tôm nguyên liệu mua về được phân loại. Loại ngon chế biến riêng, phần còn lại được luộc sơ, lột vỏ, tẩm ướp gia vị, hóa chất, trong đó không thể thiếu phẩm màu để tôm săn cứng và màu sắc bắt mắt.
Theo những người chuyên chế biến tôm khô thì loại càng rẻ tiền càng được tẩm ướp nhiều. Đặc biệt, có một loại khô mà người bán gọi là ruột vịt (làm từ ruột con vịt), màu đỏ au, được ép cuộn tròn như trái chuối ép, trông rất mất vệ sinh, giá bán 32.000 đồng/kg. “Mối hàng chủ yếu là những người bán hàng rong, nhất là ở các khu vực trường học” - một chủ hàng cho biết.
Theo một kỹ sư trong ngành chế biến thủy hải sản ở TP HCM, các loại thủy sản trước khi chế biến đều được xử lý bằng hóa chất. Để khử trùng, tẩy trắng, người ta thường sử dụng clorin, chất này dính vào quần áo có thể gây... rách. Đối với những đơn vị chế biến thủy sản công nghiệp, liều lượng sử dụng được kiểm soát rất chặt chẽ nên sản phẩm bảo đảm an toàn. Nhưng ở những cơ sở nhỏ, chế biến thủ công thì việc sử dụng hóa chất rất tùy tiện, không theo đúng quy định.
Một người trong giới chế biến, kinh doanh thủy hải sản khô khẳng định, nhiều cơ sở sử dụng cồn, oxy già, thậm chí cả... nước tẩy nền nhà P3 để tẩy cá khô bị nấm mốc, nhất là vào mùa mưa. Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM cho biết, trong một lần đi công tác miền Tây, ông đã chứng kiến cảnh tiểu thương bán cá khô ở Khu Thương mại Cái Khế (Cần Thơ) dùng một xô nước pha hóa chất giống như nước xà phòng để rửa khô cá lóc bị ẩm mốc.
Theo ông Mai, các loại thủy hải sản sau khi chết một vài giờ đã bị phân hủy. Đạm bị phân hủy sẽ tạo ra histamine (là chất chuyển hóa dở dang của chất đạm, thường có trong cá biển). Nếu bảo quản không tốt thì lượng histamine càng nhiều, tạo độc tố cao, con người ăn vào sẽ bị dị ứng ngay.
Lượng histamine trong cá khô thường rất cao. Hơn nữa, trong quá trình phơi sấy, vi sinh, nấm mốc phát triển làm cá khô bị phân hủy, tạo ra “gói độc chất” rất nguy hiểm. Chất này có thể không gây dị ứng ngay tức khắc mà tác hại lâu dài trong 5-10 năm sau, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể con người.
Còn các loại thuốc diệt kiến, diệt ruồi đều rất độc. Nếu thuộc loại gây tê hoặc tác động lên hệ thần kinh, hô hấp (làm cho kiến chết) thì người ăn phải sẽ bị ngộ độc ngay, hoặc tổn thương nhiều bộ phận.
Ngay cả các hóa chất được Bộ Y tế cho phép dùng trong chế biến, bảo quản thực phẩm nếu sử dụng quá liều sẽ gây ngộ độc thực phẩm, nguy hiểm hơn là gây bệnh ung thư.
(Theo Người Lao Động)