1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cảnh báo nhiều ca tử vong do sặc thức ăn ở người cao tuổi

(Dân trí) - Tắc nghẽn đường thở gây suy hô hấp cấp dẫn tới viêm phổi, tổn thương não không phục hồi đã cướp đi sinh mạng nhiều người nguyên nhân do hít sặc thức ăn.

Hiểm họa cướp đi sinh mạng người nạn nhân

Ngày 5/5, BS-CKII Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, tại đây đã tiếp nhận 4 trường hợp bị hóc sặc thức ăn nhưng chỉ có 1 trường hợp may mắn qua được nguy kịch.

Cảnh báo nhiều ca tử vong do sặc thức ăn ở người cao tuổi - 1
Hóc sặc thức ăn là tai nạn nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao

Các bệnh nhân nhập viện đều là những trường hợp cao tuổi từ 82 đến 88, trong đó có 3 ca được người nhà đưa vào và 1 ca từ khoa bệnh khác chuyển đến. Qua thăm khám, bác sĩ xác định có 3 trường hợp bị di chứng tai biến mạch máu não. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, phải hỗ trợ thở máy.

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người nhà ghi nhận, trước khi nhập viện, các bệnh nhân đang ăn uống thì bất ngờ bị ho sặc, tím tái, khó thở nên nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ nhận định, bệnh nhân có thể bị hóc sặc thức ăn nên tiến hành nội soi kiểm tra. Kết quả đều phát hiện, trong đường thở của các bệnh nhân đều có dị vật là các loại thức ăn, đồ uống như sữa, cháo, chả và trứng.

Tình trạng hóc sặc thức ăn đã gây tắc nghẽn đường thở, trong đó chỉ có 1 bệnh nhân là ông Lê Văn Q. (82 tuổi, ngụ tại Tân Bình) may mắn qua được nguy kịch sau khi được bác sĩ gắp thành công cục chả ra khỏi đường thở. 3 trường hợp còn lại, dù bác sĩ đã nỗ lực thực hiện các biện pháp cứu chữa tuy nhiên, bệnh nhân bị viêm phổi nặng do hít phải dịch dạ dày gây hội chứng nguy ngập hô hấp cấp, lan tỏa phế nang cả 2 bên phổi. Sau nhiều ngày hồi sức tích cực, nhưng tình trạng bệnh ngày càng trở nặng, các gia đình đã làm thủ tục đưa bệnh nhân về lo hậu sự.

Cảnh báo nhiều ca tử vong do sặc thức ăn ở người cao tuổi - 2
Một trường hợp bị sặc sữa vào đường thở, các bác sĩ phải hút và rửa nhiều lần nhưng vẫn rơi vào viêm phổi nặng

BS Ngọc Ánh cho biết, tai nạn hít sặc thức ăn khá phổ biến ở nhóm người lớn tuổi, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp tương tự, trung bình mỗi tháng có khoảng 5 ca hít sặc phải vào viện cấp cứu. Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ các yếu tố bệnh lý nền hoặc sự sơ ý của người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân trong quá trình cho ăn uống.

Tai nạn nguy hiểm có thể phòng ngừa

Phân tích chuyên môn của BS Ngọc Ánh chỉ ra, hóc sặc thức ăn là tai nạn thường gặp và đặc biệt nguy hiểm ở 2 nhóm tuổi là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và người cao tuổi, có bệnh lý nền đi kèm như tai biến mạch máu não, nhược cơ. Tuy nhiên, tai nạn này cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nếu không cẩn thận trọng quá trình ăn uống.

Cảnh báo nhiều ca tử vong do sặc thức ăn ở người cao tuổi - 3
BS Ngọc Ánh thăm khám cho người bệnh đang điều trị tại Thống Nhất

Thông thường, thức ăn sau khi được đưa vào khoang miệng sẽ được nhai nuốt và tống xuống dạ dày. Tuy nhiên, vì một nguyên nhân nào đó như bệnh nhân không kịp nuốt, cười nói trong lúc ăn uống hoặc tư thế khi ăn không hợp lý sẽ khiến thức ăn, thức uống tràn vào đường hô hấp. Đây là tình huống khẩn cấp gây tắc nghẽn đường hô hấp, có thể đe dọa tính mạng.

Theo thống kê, có khoảng 10 đến 15% viêm phổi cộng đồng là do hít sặc và hít sặc gây viêm phổi là nguyên nhân tử vong chủ yếu ở những người có bệnh lý thần kinh, rối loạn búi cơ gây khó nuốt. Viêm phổi do hít sặc cũng là nguyên nhân thường gặp chiếm khoảng 18% những bệnh nhân được chăm sóc tại nhà. Những người bị tai biến mạch máu não ở những ngày đầu nguy cơ hít sặc lên tới 52% sau đột quỵ, 30% sau 1 tuần và 10% sau 6 tháng.

Khi bị hít sặc, nạn nhân thường có triệu chứng của hít sặc là ho, khò khè, khó thở, tím tái đối với những trường hợp nặng. Tuy nhiên, ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi hoặc người có di chứng đột quỵ não các triệu chứng thường bị bỏ qua hoặc ít được nghĩ tới khiến tình trạng diễn tiến ngày càng nặng dẫn tới nguy cơ tử vong cao.  

Cảnh báo nhiều ca tử vong do sặc thức ăn ở người cao tuổi - 4
Hít sặc thức ăn là tai nạn nguy hiểm nhưng có thể chủ động phòng ngừa

Để hạn chế và đề phòng tai nạn hít sặc, BS Ngọc Ánh khuyến cáo cộng đồng cần nhận biết được tình trạng rối loạn nuốt ở những người có nguy cơ. Cụ thể, khi người lớn tuổi hoặc người bị tai biến ăn uống, thức ăn thường rơi ra từ khoang miệng, nước bọt chảy, nhiều đờm; khó khăn khi nhai cắn; ho sặc khi nuốt, khi đang nhai; thay đổi giọng nói hay tốc độ nói sau ăn; viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần.

Với những trường hợp trên, để tránh bị hít sặc cần phải dùng thức ăn mềm, tránh thức ăn xơ dính, xay nhỏ. Người lớn tuổi cần ăn uống ở tư thế ngồi hoặc nằm với góc 45 độ, nhai nuốt chậm, không vừa ăn vừa nói chuyện, tuyệt đối không hối thúc người lớn tuổi ăn nhanh, sau khi ăn cần di chuyển và vệ sinh răng miệng. Trường hợp có biểu hiện ho sặc, tím tái trong lúc ăn, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được hỗ trợ kịp thời.

Vân Sơn