Cảnh báo các chiêu “lên đời” tân dược giả

Cơ quan công an vừa liên tiếp triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả trong thời gian qua.

Cơ quan công an vừa liên tiếp triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả trong thời gian qua. Đáng chú ý, các đường dây buôn bán thuốc giả này còn chủ động lên các mạng xã hội rao thông tin giới thiệu là dược sĩ, bác sĩ kèm theo số điện thoại. Người tiêu dùng nếu trót tin vào những lời tư vấn, quảng cáo có cánh sẽ khó tránh khỏi tiền mất, tật mang.

Liên tiếp triệt phá các đường dây

Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46), Công an TP.HCM cho biết, vừa bắt khẩn cấp Mai Công Phu (63 tuổi), Mai Hữu Hoàng (39 tuổi, con ruột của Phu), Trần Quang Bình (26 tuổi, cả 3 đều ngụ Q. Tân Phú); Khưu Tấn Cường (47 tuổi), Trần Quang Sơn (30 tuổi, cả 2 đều ngụ Q.6) để điều tra làm rõ về hành vi mua bán và sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh. Cụ thể, thủ đoạn của Phu là mua thuốc do Việt Nam sản xuất, sau đó đặt in ấn vỉ, hộp nước ngoài để “lên đời” thuốc ngoại. Phu chia nhỏ các công đoạn sản xuất (bóc thuốc, in ấn vỉ thuốc, dập ép thuốc thành phẩm, tập kết hàng...) tại nhiều địa điểm khác nhau như: Q.8, Q.Tân Phú, H.Bình Chánh (TP.HCM) và một địa điểm ở tỉnh Long An để tránh sự phát hiện của công an. Đáng chú ý, Phu tập kết hàng giả xuống Long An để “đánh tiếng” cho giới tiêu thụ tân dược xách tay ở TP.HCM tưởng hàng ngoại nhập lậu từ Campuchia... Sau một thời gian điều tra, PC46 bắt quả tang Hoàng đang giao một thùng carton chứa tân dược cho Cường tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân, TP.HCM). Bên trong thùng carton có 13 bịch đựng thuốc dạng con nhộng không ghi nhãn hiệu. Sau đó, lực lượng chức năng khám xét khẩn cấp nhà không số trên đường Rạch Cát - Bến Lức (P.7, Q.8) của Cường phát hiện Sơn đang ép vỉ thuốc, cắt vỉ và đóng hộp thành phẩm làm giả thuốc một số nhãn hiệu. Khám xét khẩn cấp nhà của vợ Phu ở xã Bình Hưng (H.Bình Chánh), PC46 thu giữ 4 thùng thuốc giả thành phẩm (chưa kiểm đếm), 2 thùng vỏ hộp thuốc làm giả các loại. Tại trụ sở công an, bước đầu Phu khai nhận, mua tân dược các loại do Việt Nam sản xuất tại các quầy thuốc ở TP.HCM, sau đó bóc ra thành từng viên giao cho Cường để “lên đời” thuốc ngoại.

Cảnh báo các chiêu “lên đời” tân dược giả - 1

Đối tượng Hoàng khai nhận hành vi mua bán và sản xuất thuốc giả với cơ quan công an.

Trước đó, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) Bộ Công an đã bắt quả tang Mai Thị Xuyến (38 tuổi, ngụ P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM) khi Xuyến đang mua bán 37 hộp thuốc chữa bệnh viêm gan b các loại. Tiến hành khám xét nơi ở của Xuyến, C74 phát hiện nhiều loại thuốc nhập lậu, thuốc không tem nhãn. Lô hàng này trị giá 200 triệu đồng. Tại Cơ quan điều tra, Xuyến khai nhận lấy hàng từng đợt, mỗi đợt vài trăm triệu đồng, sau đó, hàng ngày, Xuyến lên các trang mạng xã hội, rao bán dược phẩm xách tay nhưng thực chất đều là hàng không đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, chồng của Xuyến cũng lên mạng xã hội, xưng là “dược sĩ Phúc”, rao thông tin về các loại thuốc nhập. Vợ chồng “dược sĩ Phúc” còn kỳ công đăng tải các đơn thuốc, phiếu xét nghiệm (đã được chỉnh sửa) trước và sau khi uống thuốc của vợ chồng Xuyến để chứng minh bệnh thuyên giảm hoặc hết bệnh.

Nhiều diễn biến phức tạp

Theo Cục C74, tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả, kém chất lượng, không có nguồn gốc... đang diễn ra phức tạp trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Thủ đoạn của các đường dây buôn bán thuốc giả này là sản xuất, đóng gói thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, nhắm đến các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng có xuất xứ ngoại nhập. Cơ quan công an từng bắt một nhóm mua thuốc nội rồi xé nhãn mác cũ thay thế tem sản phẩm xuất xứ nước ngoài, mà mắt thường không thể nhận biết được thuốc giả hay thật. Nguy hiểm hơn, các loại thuốc “đặc trị ung thư” cũng đã bị các đối tượng làm giả.

Đại tá Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) cho biết, phương thức phổ biến mà các đối tượng làm giả thuốc thường sử dụng là đặt in các vỏ bao bì giống bao bì của thuốc thật, sau đó đặt một số cơ sở sản xuất dược, sản xuất các thành phẩm bên trong. Ngoài cách làm thủ công nêu trên, hiện nay các đối tượng tiến hành nhiều biện pháp rất tinh vi để biến thuốc giả thành thuốc nhập khẩu từ nước ngoài, rồi bán với giá cao. Phương thức phổ biến của những đối tượng này là mua tân dược trong nước với giá rẻ, hoặc các loại thuốc hết hạn sử dụng, sau đó cho vào chai, lọ của loại tân dược đã qua sử dụng của các hàng dược nổi tiếng nước ngoài; dùng kỹ thuật gia công nhãn mác cho mới, đặt in tờ hướng dẫn sử dụng cho vào hộp, hoặc thay đổi nhãn mác biến thuốc nội thành thuốc ngoại, thuốc châu Á thành thuốc sản xuất từ châu Âu và vô tư bán ra thị trường với giá cao như thuốc nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam.

Cục C74 khuyến cáo, tình trạng mua bán thuốc tây giả, thực phẩm chức năng giả đáng báo động, hiện cơ quan công an vẫn đang tiến hành điều tra, làm rõ các đường dây mua bán thuốc giả nói trên, vì vậy mọi người phải hết sức cảnh giác, mua thuốc chữa bệnh phải có hóa đơn của bác sĩ, đừng nên dễ dàng tin vào lời giới thiệu trên mạng mà mua phải thuốc giả để rồi rước họa vào thân.

Theo Ngọc Đỗ - H. Phong

Sức khoẻ & Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm