1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cẩn trọng với các loại mặt nạ siêu rẻ

Trước thông tin Trung Quốc vừa công bố kết quả kiểm tra mỹ phẩm, trong đó phát hiện có 8 loại mặt nạ đắp mặt có chứa chất cấm, PV Báo GĐ&XH đã tìm hiểu trên thị trường Hà Nội. Ghi nhận ban đầu ở một số chợ đầu mối, các sản phẩm đắp mặt chủ yếu là hàng giá rẻ. Còn những sản phẩm đắt tiền, được người bán quảng cáo là nhập ngoại thì hầu như không có nhãn mác.

Một loại mặt nạ được bán với giá 4.000đ/miếng tại chợ Phùng Khoang. Ảnh: H.Nguyên

“Mê cung” mặt nạ siêu rẻ

Chúng tôi tìm đến chợ sinh viên Phùng Khoang, chủ một cửa hàng mỹ phẩm ở cổng chợ đon đả mời chào và giới thiệu hàng trăm loại mặt nạ dưỡng da giá rẻ, như: Có loại mặt nạ dùng luôn, có loại mặt nạ từ bột thảo dược, bột nghệ, bột nhân sâm… pha với sữa tươi hoặc nước ép để đắp mặt. Các sản phẩm này có giá từ 28.000 - 40.000 đồng/gói, tùy loại. Một số loại mặt nạ khác như mặt nạ bùn, mặt nạ khoáng chất… được đóng vào lọ có giá cao hơn, từ 80.000 - 220.000 đồng/lọ, tùy loại.

Cửa hàng này còn có mặt nạ lô hội, trà xanh, dâu tây, táo… có giá rất rẻ. Theo quan sát của chúng tôi, loại mặt nạ này có nhãn mác của đơn vị sản xuất tại TPHCM. “Loại này em bán rất đắt hàng. Chị mua lẻ, mỗi miếng có giá 6.000 đồng. Mua sỉ thì 5.000 đồng/miếng. Nếu mua từ 50 miếng trở lên, em lấy giá 4.000 đồng/miếng thôi. Hôm nay chị cứ lấy mỗi loại vài miếng về dùng thử, em bán giá hữu nghị, 5.000 đồng/miếng”, người bán hàng nhanh nhảu nói. “Có loại của Trung Quốc, giá khoảng 1.500 đồng/miếng không?”, chúng tôi hỏi. “Chị muốn lấy nhiều, ở chợ Đồng Xuân sẽ có”, người bán hàng cho biết.

Tại chợ Hà Đông, khi chúng tôi hỏi mua mặt nạ giá rẻ với số lượng lớn, chủ cửa hàng K.N cho biết, cửa hàng có loại mặt nạ giá rẻ nhất là 4.000 đồng/miếng. Các loại rẻ vừa, có giá từ 5.000 - 7.000 đồng/miếng. Loại đắt hơn từ 12.000 - 20.000 đồng/miếng. Theo lời người bán hàng, loại mặt nạ giá 5.000 - 7.000 đồng là của Hàn Quốc, bán rất chạy.

Người bán hàng quảng cáo: “Sản phẩm mặt nạ 3D siêu tác dụng, siêu dưỡng da. Nó có thể giúp thu gọn lỗ chân lông, kéo dài tuổi thọ làn da, giúp trẻ hóa... đấy em ạ”. Quan sát các sản phẩm này, chúng tôi thấy trên bao bì có in chữ Hàn Quốc, tuy nhiên không có tên đơn vị nhập khẩu tại Việt Nam và cũng không có các hướng dẫn sử dụng theo đúng yêu cầu dành cho các mặt hàng nhập khẩu.

Càng tên tuổi lớn càng bị làm giả?

Loại mặt nạ được người bán quảng cáo là của Hàn Quốc nhưng không tem mác nhập khẩu, không hướng dẫn sử dụng. Ảnh: H.Nguyên
Loại mặt nạ được người bán quảng cáo là của Hàn Quốc nhưng không tem mác nhập khẩu, không hướng dẫn sử dụng. Ảnh: H.Nguyên

Theo thông tin mới nhất từ báo giới Trung Quốc, ngày 6/8, Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm nước này đã công bố kết quả kiểm tra mỹ phẩm, mặt nạ dưỡng da, trong đó phát hiện có 8 loại mặt nạ có chứa chất cấm corticoid gây hại đến sức khỏe. Theo đó, clobetasol propionate thuộc loại hóa chất glucocorticoid (gọi tắt là corticoid) gây loãng xương, tăng huyết áp, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng. Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận. Sử dụng mỹ phẩm có chứa corticoid trong thời gian dài có thể gây teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng do mất sự đề kháng. Nếu bôi hoặc đắp mặt nạ có hóa chất này, da mặt sẽ xuất hiện trứng cá đỏ, phát mụn li ti.

Khảo sát của chúng tôi ngày 11/8 tại một số chợ mỹ phẩm giá rẻ như Phùng Khoang, Hà Đông… thì chưa thấy xuất hiện loại mặt nạ của các công ty sản xuất 8 loại bị chỉ định cấm trên đây. Chủ yếu các sản phẩm mặt nạ có bao bì ghi là hàng của Việt Nam. Một số sản phẩm khác có giá đắt hơn, theo lời người bán và chữ in trên bao bì thì là hàng của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, có nên sử dụng các loại mặt nạ giá rẻ không? Một giáo sư - tiến sĩ (xin được giấu tên) đang công tác tại Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) cho rằng, nếu mua các sản phẩm này đúng xuất xứ, tại các cửa hàng có uy tín, có tem mác hẳn hoi thì khá yên tâm. “Khi tôi sang Nhật Bản, tôi mua một lọ mỹ phẩm chính hãng mất cả triệu đồng. Thế nhưng về Việt Nam, có nơi chỉ bán một lọ thế này chỉ vài trăm nghìn đồng thì không hiểu thế nào. Nếu không phải hàng lậu, hàng kém chất lượng, sao lại rẻ đến thế? Cho nên, người tiêu dùng cần cực kì cẩn trọng với các hàng mỹ phẩm siêu rẻ hiện nay. Phần lớn các hãng càng tên tuổi thì càng dễ bị làm giả, làm nhái. Tốt nhất nên mua tại các cửa hàng có uy tín, có tem mác nhập khẩu hẳn hoi. Với các hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc thì tin sao được?”, vị giáo sư lý giải.

Cũng theo vị giáo sư này, nếu mỹ phẩm có chất độc, thông thường không có tác dụng “sốc” ngay lập tức. Bù lại, nó sẽ tích tụ trên da và ảnh hưởng đến người sử dụng lâu dài. Càng sử dụng lâu, chất độc này càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc, 8 loại mặt nạ của Trung Quốc chứa hóa chất gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng bao gồm: Mặt nạ dưỡng ẩm chuyên sâu và mặt nạ thu gọn khuôn mặt 3D của Công ty TNHH LongYoung Day, Thượng Hải; Mặt nạ se nhỏ lỗ chân lông của Công ty TNHH công nghệ cao Zhen Mei; Mặt nạ trà thảo dược kiềm dầu, trị mụn của Công ty Công nghệ sinh học Ao Gu; Mặt nạ dưỡng ẩm cấp nước Hyaluronic Acid Mask; Mặt nạ dưỡng da, che mờ vết thâm của Công ty Tian Zi Li, Quảng Châu; Mặt nạ lụa chống lão hóa của Công ty mỹ phẩm Mei Lian Bao; Mặt nạ làm trắng của Công ty mỹ phẩm Qing Xiu Ri, Triệu Khánh.

Theo Hạnh Nguyên

Báo Gia đình & Xã hội