Cẩn trọng trước tác dụng phụ khi tự ý điều trị mề đay
(Dân trí) - Mề đay (mày đay) không phải là bệnh lý hiếm gặp. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân không kiểm soát hiệu quả, khiến bệnh tái phát liên tục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Nỗi ám ảnh của nhiều người mỗi khi thời tiết giao mùa
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Đĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Miễn dịch Vinmec - VinUni, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng kiêm Trưởng khoa Nội chung, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City, cho biết, mề đay là một bệnh lý thường gặp.
Khoảng 40% dân số bị mề đay ít nhất 1 lần trong cuộc đời. Trong đó, 0.5-1% dân số có thể bị mề đay mạn tính, được định nghĩa là tình trạng mề đay kéo dài trên 6 tuần.
Đây là nội dung được chia sẻ tại tọa đàm Mề đay cấp và mạn tính do thời tiết giao mùa - Sống chung với "địch" hay đối đầu để kiểm soát bệnh hiệu quả? diễn ra ngày 20/12 tại báo Dân trí.
Với mề đay cấp, nguyên nhân thường gặp là do phản ứng của cơ thể với các yếu tố dị nguyên như thuốc, thực phẩm, nhiễm trùng (virus, vi khuẩn…), tuy nhiên có những trường hợp không xác định được nguyên nhân.
Mề đay cũng có thể khởi phát do các yếu tố vật lý như tì đè, nhiệt, nước, sóng rung, ánh nắng mặt trời… Những trường hợp mề đay mạn tính tự phát thường có liên quan đến các yếu tố tự miễn.
ThS.BS Thục Thanh Huyền, Bác sĩ Dị ứng - Miễn dịch Nhi khoa, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City, cho biết thêm, trong một số trường hợp mề đay có thể là một biểu hiện của tình trạng dị ứng nặng toàn thân như sốc phản vệ, nguy cơ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tính mạng.
Khi mề đay kèm theo một trong các biểu hiện như sưng phù môi lưỡi, cảm thấy nghẹn trong cổ họng, khàn tiếng, tức ngực, khó thở, hoặc đau quặn bụng dữ dội, nôn nhiều… người dân cần đến bệnh viện ngay.
Vì thế, việc khai thác kỹ tiền sử để tìm nguyên nhân, đặc biệt là với mề đay mãn tính, để tránh bỏ sót, từ đó có liệu pháp điều trị phù hợp để có đáp ứng tốt.
Lấy ví dụ với mề đay mạn tính, BS Đĩnh cho biết, tại Bệnh viện Vinmec, các bác sĩ thực hiện theo hướng dẫn GA2LEN - Global Allergy and Asthma European Network (Mạng lưới dị ứng và hen suyễn toàn cầu châu Âu).
Cụ thể, trong một số trường hợp cụ thể khi khám lâm sàng, bệnh nhân có thể sẽ được làm xét nghiệm xem có bị bệnh lý tuyến giáp, tăng kháng thể trong máu không, có thay đổi công thức máu, tình trạng viêm ra sao…
Tại Vinmec, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng đã phát hiện ra rất nhiều trường hợp người bệnh có tình trạng ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu.
"Chúng tôi cũng là đơn vị duy nhất ở Việt Nam có thể làm được xét nghiệm ở mức độ phân tử. Ở Vinmec, chúng tôi đang sử dụng tất cả các biện pháp tiêu chuẩn tại trung tâm giống như các trung tâm dị ứng trên toàn cầu để đáp ứng nhu cầu chẩn đoán cho bệnh nhân", BS Đĩnh nhấn mạnh.
BS Đĩnh cho biết thêm, nóng hay lạnh đều có thể là yếu tố gây ra mề đay. Khi giao mùa, các yếu tố vật lý thay đổi làm cơ thể không thích ứng kịp.
Đặc biệt trong môi trường thời tiết khô hanh, da bị mất nước sẽ trở nên nhạy cảm hơn, kích thích vùng đầu mút thần kinh gây ngứa. Đó chính là lý do nếu chúng ta dưỡng ẩm tốt, da đủ ẩm thì chúng ta sẽ đỡ ngứa hơn.
Mề đay có thể chữa khỏi được hoàn toàn không?
BS Đĩnh khẳng định, bệnh mề đay có thể điều trị ổn định kéo dài. Nếu được quản lý đúng ngay từ đầu, bệnh nhân sẽ rút ngắn được thời gian điều trị, thậm chí có thể dừng được thuốc.
Ngoài ra, cần quan tâm đến việc kiểm soát những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc khi dùng kéo dài, cũng như cân bằng chi phí điều trị.
BS Huyền khuyến cáo, người dân cần hết sức thận trọng khi sử dụng các phương pháp dân gian, truyền miệng chưa được khoa học chứng minh, đặc biệt là với trẻ em. Hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu ớt, dễ mẫn cảm với những kích thích bên ngoài.
Trong quá trình thăm khám, điều trị, bản thân BS Đĩnh cũng gặp rất nhiều bệnh nhân điều trị không đúng, hiệu quả kiểm soát mề đay không tốt, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý bệnh nhân.
30% bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm, lo âu, không ít những trường hợp trong đó có ý định tự sát, không kiểm soát được bệnh của mình nên họ lo lắng rất nhiều.
Một biến cố nữa mà người bệnh có thể gặp phải liên quan đến tác dụng phụ của thuốc steroid.
Với mề đay mạn, corticoid không phải là thuốc được khuyến cáo sử dụng ưu tiên, nhưng nó rất hiệu quả, bệnh nhân uống vào đỡ rất nhanh, nên nhiều trường hợp lạm dụng thuốc.
Bác sĩ có thể chỉ định corticoid trong những trường hợp cấp tính nặng, có kèm phù mạch, tuy nhiên phải kiểm soát liều lượng và chỉ dùng ngắn ngày.
"Có những bệnh nhân đến với chúng tôi sau khi đã dùng các loại viên hoàn, viên tễ, họ cũng không biết được trong đó có thành phần corticoid, họ dùng kéo dài. Hậu quả là suy tuyến thượng thận, đục thủy tinh thể, đái tháo đường, tăng huyết áp và nhìn bề ngoài có hội chứng Cushing, mặt tròn như mặt trăng, lông tóc mọc nhiều, mỡ vùng cổ dày lên, bụng to ra, tay teo đi", BS Đĩnh chia sẻ.
Theo BS Đĩnh, để kiểm soát nhanh triệu chứng của mề đay cấp thì không phải là vấn đề quá khó khăn, nhưng với mề đay mạn tính thì cần có sự thăm khám chuyên sâu và quản lý bởi bác sĩ chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch.
Tại Vinmec, khi thăm khám bệnh nhân, các bác sĩ thường đánh giá 3 chỉ số thang điểm, tuân thủ theo phác đồ cập nhật của Tổ chức Dị ứng thế giới cũng như các hướng dẫn quốc tế về điều trị mề đay.
Thứ nhất, đánh giá theo thang điểm về triệu chứng, mỗi ngày bệnh nhân nổi bao nhiêu ban trên da, mức độ ngứa thế nào, trong vòng 7 ngày mức độ ra sao…
Thứ hai, đánh giá mức độ kiểm soát bệnh, theo thang điểm gồm 4 câu hỏi. Tối đa bệnh nhân được 16 điểm là đạt kiểm soát hoàn toàn, dưới 12 điểm chưa kiểm soát, 12-16 điểm là kiểm soát một phần.
Thứ ba, thang điểm đánh giá chất lượng cuộc sống của người bệnh gồm 23 câu hỏi về tần suất triệu chứng, có rối loạn giấc ngủ không, có ảnh hưởng đến đời sống - hoạt động xã hội không…
BS Huyền cho biết thêm, với mề đay mạn, chìa khóa của việc quản lý bệnh là bệnh nhân cần có sự kiên trì, theo dõi định kỳ của các bác sĩ, có thể điều chỉnh thuốc, chế độ sinh hoạt, kiểm soát các bệnh mắc kèm theo để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
"Hiện nay, tại Vinmec, chúng tôi đã xây dựng chương trình dành riêng quản lý bệnh nhân mắc mề đay mạn, chúng tôi sẽ đồng hành cùng với bệnh nhân trong quá trình kiểm soát bệnh, với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lên tốt nhất", BS Huyền nói.
BS Đĩnh chia sẻ, theo thống kê của bệnh viện, sau 4 tuần, trung bình khoảng trên 70% bệnh nhân được kiểm soát hoàn toàn tình trạng mề đay. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát nếu bỏ điều trị.
Vì thế, bác sĩ đặc biệt nhấn mạnh việc bệnh nhân cần được theo dõi, đánh giá định kỳ để đưa ra quyết định khi nào hạ bậc điều trị, khi nào cần tăng liều điều trị.
Theo BS Đĩnh, việc điều trị mề đay cần đảm bảo đúng và đủ. Đúng ở đây là bệnh nhân đã dùng đúng loại thuốc chưa, đã dùng đủ liều kháng histamine để kiểm soát toàn diện triệu chứng chưa? Thời gian dùng đã đủ dài để chúng ta ổn định được tình trạng bệnh chưa? Đặc điểm của hệ thống miễn dịch là có cơ chế tự cân bằng nhưng cần phải có thời gian để cơ thể tự cân bằng.
"Tôi thường nói với bệnh nhân của mình, mề đay là phản ứng viêm giống như đám lửa cháy, chúng ta dập thì dập hoàn toàn để nó không bùng lại. Chúng ta dập không hết, cứ để nó đấy thì một ngày gặp trời khô, trời hanh nó bùng ra. Giống như câu chuyện vì sao mề đay dễ tái phát?
Chúng ta phải điều trị ổn định đủ thời gian thì hệ miễn dịch mới ổn định, bệnh không bị tái phát", BS Đĩnh chia sẻ.
Điều trị mề đay toàn diện theo quy chuẩn quốc tế tại Việt Nam
BS Huyền cho biết, "tại Bệnh viện Vinmec, để có phác đồ điều trị chuẩn cho bệnh nhân, thì đầu tiên chúng tôi phải có cách tiếp cận chuẩn."
Ngay từ khi tiếp cận bệnh nhân, các bác sĩ sẽ hỏi bệnh một cách rất chi tiết, dành thời gian trao đổi cụ thể với bệnh nhân về từng biểu hiện, diễn biến về thời gian, các biện pháp điều trị đã dùng, chế độ ăn uống, sinh hoạt như thế nào, yếu tố nào làm nặng lên biểu hiện của bệnh.
Qua đó, bác sĩ có thể định hướng bệnh nhân bị mề đay cấp hay mề đay mạn. Với mề đay cấp, các bác sĩ cũng sơ bộ định hướng được nguyên nhân, từ đó đưa ra các chỉ định cận lâm sàng phù hợp nếu cần để xác định nguyên nhân.
Với mề đay mạn, bệnh nhân có thể được chỉ định làm các xét nghiệm tầm soát bệnh lý tuyến giáp, test huyết thanh tự thân, phát hiện kháng thể tự miễn, đánh giá tình trạng viêm…
Tại Vinmec, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng đã phát hiện nhiều trường hợp người bệnh có tình trạng ung thư tuyến giáp. Việc kiểm tra, phát hiện sớm các bệnh đồng mắc, đồng thời kết hợp với các chuyên khoa khác nếu cần để can thiệp kịp thời, giúp tối ưu hiệu quả cho người bệnh.
"Đến bước điều trị, hiện tại chúng tôi đang tuân theo các phác đồ, các hướng dẫn chuẩn quốc tế về từng bậc điều trị làm sao để kiểm soát được bệnh mà các thuốc không gây ra tác dụng phụ bất lợi quá nhiều cho bệnh nhân.
Khi bệnh nhân được thăm khám, kê đơn tại Bệnh viện Vinmec, chúng tôi luôn dành thời gian để hướng dẫn sử dụng thuốc và theo dõi các triệu chứng ở nhà", BS Huyền nói.
Vừa qua, Vinmec đã nhận được chứng nhận Chương trình UCARE do Mạng lưới Dị ứng và Hen suyễn toàn cầu châu Âu GA2LEN thẩm định. Hiện nay, tại Việt Nam, Trung tâm Dị ứng miễn dịch và Lâm sàng của Vinmec là đơn vị duy nhất đạt được thành tựu này.
Theo BS Đĩnh, để đạt được chứng nhận này, bệnh viện đã đáp ứng 32 tiêu chuẩn rất khắt khe của UCARE với 5 nhóm bộ tiêu chí.
Thứ nhất là về hệ thống bệnh viện, cơ sở vật chất, phối hợp đa chuyên khoa, có nhiều chuyên khoa trong bệnh viện. Vinmec cũng có hệ thống hỗ trợ đặt hẹn, chăm sóc khách hàng, đánh giá yếu tố nguy cơ rủi ro và những yếu tố quản lý chất lượng.
Phần thứ hai cực kỳ quan trọng là tất cả những bệnh nhân đến thăm khám, điều trị bệnh lý mề đay phù mạch tại Vinmec phải tuân thủ đầy đủ theo khuyến cáo của UCARE.
Bác sĩ phải khai thác tiền sử của bệnh nhân rất kỹ theo đúng bộ câu hỏi chuẩn hóa, chỉ định những xét nghiệm phù hợp nhất theo khuyến cáo để tìm nguyên nhân và phân tầng nguy cơ cho bệnh nhân mề đay phù mạch.
"Chúng tôi sẽ phải tuân thủ các bậc điều trị thay đổi bậc điều trị theo đáp ứng của bệnh nhân, dựa trên các bộ công cụ lượng hóa từ định tính của bệnh nhân thành định lượng để chúng tôi có thể lượng hóa được. Chúng tôi có một hệ thống theo dõi đáp ứng điều trị của bệnh nhân để chúng tôi biết rằng bệnh nhân đang điều trị đúng hướng hay chúng ta cần thay đổi", BS Đĩnh nói.
Bệnh viện cũng có hệ thống hỗ trợ bệnh nhân, thành lập các câu lạc bộ là nơi chia sẻ giữa những người bệnh mề đay.
Ngoài ra, vấn đề nghiên cứu cũng rất quan trọng. Các bác sĩ của Trung tâm luôn cập nhật, cải tiến các biện pháp điều trị hàng ngày, hàng tuần, hàng năm dựa trên những nghiên cứu đời thực, phù hợp với đặc điểm riêng của các bệnh nhân Việt Nam.