Cẩn trọng khi phát hiện u, cục ở bẹn trẻ
(Dân trí) - Khi phát hiện vùng sưng đau, u cục ở bẹn trẻ, cha mẹ nên đưa con đi khám vì đó có thể là dấu hiệu thoát vị bẹn. Một bé gái 6 tháng tuổi từng phải cắt bỏ một buồng trứng do bị xoắn bên trong bao thoát vị đã hoại tử đen và mủn nát. Với bé trai cũng có thể để lại di chứng ở tinh hoàn nếu điều trị muộn.
Chiều 29/6, bé trai Nguyễn Ngọc K (hơn 1 tháng tuổi ở Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) đã được phẫu thuật chữa thoát vị bẹn 2 bên tại BV Xanh Pôn (Hà Nội).
Trước đó, hôm 27/6, bé được gia đình đưa đến khám sau một ngày phát hiện con bị sưng cả hai bên bẹn. Chị Loan, mẹ bé K cho biết, lúc đầu con chỉ sưng một bên bẹn và ngày hôm sau thì cả hai bẹn đều sưng lên. Khi ấn vào vùng sưng thì có cảm giác cứng và bé quấy khóc nhiều hơn khi rướn vặn mình, khi tè, vệ sinh.
PGS.TS Trần Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, trường hợp bé K là bị thoát vị bẹn 2 bên, tinh hoàn trái có dịch và cần phẫu thuật ngay.
Đây là bệnh lý phải phẫu thuật phổ biến nhất trẻ em, ở cả trẻ trai và trẻ gái. Trẻ bị thoát vị do ống bẹn và ống phúc tinh mạc không bịt kín ngay khi trẻ chào đời. Khi đó xuất hiện khối phồng tại vùng bẹn - bìu ở trẻ trai và ở gần âm hộ của trẻ gái. Có những trẻ biểu hiện rất sớm, ngay từ lúc mới sinh nhưng cũng có những trẻ 3-4 tuổi hoặc lớn hơn mới phát hiện bị thoát vị bẹn.
Như trường hợp bé gái Đỗ Bảo N (4 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội). Từ khi 6 tháng tuổi, mỗi lần tắm cho con mẹ bé đã thấy con có cục nổi bên bẹn phải, ấn cứng nhưng bé không đau, không khóc nên chị không nghĩ nghiêm trọng. Gần đây, khối cục thể hiện rõ hơn nhưng khi bé chạy nhảy lại tụt xuống rồi khi nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng thì khối cục lại to lên.
Trong nhiều trường hợp, thoát vị bẹn nếu không được điều trị kịp thời, các cơ quan trong ổ bụng như ruột, buồng trứng (ở bé gái) có thể chui vào ống phúc tinh mạc và bị nghẹt. Còn với trẻ trai, do mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép bởi các nội tạng bị nghẹt, ruột ép vào bó mạch tinh hoàn, sẽ gây giảm lượng máu nuôi đến tinh hoàn. Thậm chí, ở các trẻ bị dị tật này, nếu không được mổ kịp thời sẽ dẫn đến nghẹt ruột, hoại tử ruột rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
TS Sơn dẫn chứng về trường hợp của bé gái 6 tháng tuổi, bị thoát vị bẹn nhưng do trẻ còn nhỏ, không biết nói, chỉ quấy khóc nên gia đình phát hiện bất thường muộn. Khi đến viện, một buồng trứng của bé bị xoắn bên trong bao thoát vị đã hoại tử đen và mủn nát, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ.
Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm, khi buồng trứng mới xoắn mà chưa hoại tử, bác sĩ có thể mổ tháo xoắn buồng trứng, bảo tồn buồng trứng cho trẻ.
“Tuy nhiên, trong dân gian nhiều người quan niệm thoát vị bẹn là có thể tự khỏi mà không cần can thiệp. Thực tế, đây là bệnh lý cần phẫu thuật sớm ngay khi phát hiện để tránh di chứng để lại. Thường chỉ ở những trẻ sinh non, cân nặng quá thấp 1,5 - 2kg bác sĩ mới cân nhắc chỉ định. Còn với trẻ bình thường, dù phát hiện sơ sinh cũng cần phẫu thuật ngay để giảm nguy cơ”, TS Sơn nói.
TS Sơn cho biết, phương pháp điều trị phổ biến nhất thoát vị bẹn là mổ mở một đường lớn ở bẹn, tuy nhiên sẽ để lại sẹo vết mổ to 2 - 3cm. Ngoài ra có thể mổ nội soi 3 lỗ - đây là một phương pháp tiên tiến nhất mà nhiều nước đang áp dụng. Dù vậy, nội soi 3 lỗ vẫn có 2 vết mổ và nhìn thấy sẹo.
Tại BV Xanh Pôn, các bác sĩ vừa ứng dụng thành công nội soi một lỗ tại vị trí rốn của bệnh nhi, can thiệp khỏi thoát vị bẹn mà không để lại sẹo do lỗ rốn là sẹo tự nhiên của cơ thể.
PGS.TS Sơn cho biết, từ 20/6 đến nay, đã có tới hơn 20 trẻ được phẫu thuật bằng phương pháp mới này với thời gian chỉ khoảng 45 phút cho một ca mổ thoát vị bẹn 2 bên. Bệnh nhi phục hồi nhanh, có thể ra viện một ngày sau mổ. Cũng nhờ nội soi tại lỗ rốn nên bệnh nhi không hề để lại sẹo.
Hồng Hải