Can thiệp tối thiểu, xu hướng trong nha khoa hiện đại
(Dân trí) - Làm đẹp ít xâm lấn đang trở thành xu thế trong phục hình nha khoa thẩm mỹ. Labo Detec là một trong những đơn vị tiên phong đưa ra giải pháp hữu ích về công nghệ vật liệu nhằm giảm thiểu xâm lấn.
Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội tổ chức buổi sinh hoạt khoa học định kỳ với chủ đề "Dán sứ SmartVeneer - Bước đột phá trong thẩm mỹ răng và ứng dụng trong xu hướng nha khoa hiện đại". Báo cáo viên là ông Vũ Đề, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nha khoa Detec.
PGS.TS. Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, cho biết, hiện nay, trên thị trường các cơ sở thẩm mỹ răng "nở như hoa", đâu đâu cũng thấy làm răng thẩm mỹ, kéo theo đó cũng có nhiều biến chứng xảy ra. Vấn đề ở đây là chỉ định phục hình thẩm mỹ răng thế nào cho đúng, chứ không phải chạy theo lợi nhuận.
Với lĩnh vực răng miệng, nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng làm như thế nào để thực sự an toàn là vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Hiện nay, nhu cầu làm đẹp của người dân rất cao, ở nhiều lứa tuổi, mọi giới, mọi thành phần. Xu hướng chung trên thế giới là đi theo hướng can thiệp tối thiểu.
"Labo Detec mang đến giải pháp hữu ích về công nghệ vật liệu nhằm giảm thiểu xâm lấn nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền của răng. Trong đó có phương pháp dán răng sứ nhưng chỉ cần mài răng tối thiểu", PGS.TS. Bính nói.
Báo cáo tại buổi sinh hoạt khoa học, ông Vũ Đề cũng bày tỏ mong muốn làm thế nào để phát triển du lịch nha khoa tại Việt Nam vì trình độ đội ngũ kỹ thuật viên và bác sĩ Răng Hàm Mặt của nước ta không thua kém các nước phát triển trên thế giới.
Báo cáo tập trung trọng tâm vào việc nghiên cứu hiện trạng các phương pháp phục hình thẩm mỹ hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, từ đó đưa ra được giải pháp toàn diện cho phương pháp phục hình thẩm mỹ răng thay thế cho các phương pháp hiện tại được nhiều người biết đến là chụp răng sứ, dán sứ Venner…
"Xu hướng làm đẹp ít xâm lấn đang trở thành xu thế trong ngành thẩm mỹ nói chung và lĩnh vực thẩm mỹ nha khoa nói riêng, đặc biệt trong phục hình nha khoa thẩm mỹ. Mục tiêu nghiên cứu của chúng tôi là tìm ra giải pháp hữu ích về công nghệ vật liệu nhằm giảm thiểu xâm lấn nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền của răng", ông Vũ Đề chia sẻ.
Theo ông, tình trạng răng khá phổ biến ở người Việt là răng nhiễm Tetracycline khiến răng bị ố màu, men răng xỉn vàng, đen sẫm hoặc màu răng loang lổ. Phương pháp khắc phục là mài cùi răng sau đó phục hình răng sứ. Tuy nhiên, cách làm này tiềm ẩn một số nguy cơ như tổn thương mô răng, đặc biệt là kích thích tủy, thay đổi khớp cắn… Ngoài ra, để thực hiện, bệnh nhân thường phải tiêm tê.
Điều này đặt ra một hướng nghiên cứu là làm thế nào để can thiệp xâm lấn tối thiểu, không mài răng nhiều, không tiêm tê. Đây cũng là hướng nghiên cứu của Labo Detec về giải pháp công nghệ vật liệu dán sứ mới đạt được những tiêu chí trên mà vẫn hiệu quả thẩm mỹ.
Trong đó, cách xử lý tạo vi nhám mặt trong để tăng độ bám dính kết hợp với vật liệu linh hoạt là điểm nổi bật. Kỹ thuật thiết kế và chế tạo thông qua công nghệ CAD/CAM được ứng dụng trong lĩnh vực nha khoa giúp cải thiện thiết kế và tạo ra các phục hình nha khoa chính xác, thẩm mỹ cao, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng.
Đánh giá cao bài báo cáo, PGS.TS. Trần Cao Bính cho biết, đây là một trong những giải pháp tiềm năng trong phục hình thẩm mỹ răng, cần phát triển nghiên cứu thêm. Bệnh viện sắp tới sẽ đề xuất thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về công nghệ và vật liệu tiên tiến trong điều trị, dự phòng bệnh Răng Hàm Mặt, trong đó công nghệ vật liệu mới này là một trong những lựa chọn tiềm năng.
Ông Vũ Đề cũng lưu ý thêm là phương pháp này chống chỉ định với người có men răng không tốt và đa sâu răng. Đồng thời cần có thêm nghiên cứu, thời gian theo dõi dài hơn để khẳng định hiệu quả của phương pháp. Đây là cách tiếp cận tương đối mới so với hiện tại.
"Tôi kỳ vọng nghiên cứu sẽ là nguồn động viên cho sự sáng tạo của thế hệ bác sĩ Răng Hàm Mặt tương lai và đóng góp vào sự phát triển của ngành Răng Hàm Mặt", ông Vũ Đề nói.