Cần quan tâm đến thiếu máu do giun móc ở trẻ mẫu giáo

(Dân trí) - Qua điều tra 5 trường mẫu giáo ở nông thôn và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài tỷ lệ nhiễm giun đũa khá phổ biến; có tới 15% trẻ bị nhiễm giun móc. Những trẻ này cũng dễ mắc bệnh thiếu máu, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Vấn đề thiếu máu do giun móc


Giun móc ký sinh bằng cách ngoạm vào niêm mạc ruột để hút máu. Giun sống ở vùng tá tràng và phần đầu của ruột non là nơi có nhiều mạch máu nên giun rất dễ dàng hút máu của vật chủ. Phương thức hút máu của giun móc rất lãng phí nên vật chủ mất máu nhiều, nhanh chóng dẫn đến tình trạng thiếu máu.

 

Trong khi hút máu, giun tiết ra chất chống đông máu làm cho các vết ngoạm tiếp tục bị chảy máu sau khi giun đã chuyển sang ký sinh ở một chỗ khác. Giun móc thường hút máu đầy ruột cho đến khi máu tràn ra ngoài theo hậu môn của giun; vì vậy làm cho bệnh nhân bị mất nhiều máu.

 

Các nhà khoa học đã nghiên cứu thực nghiệm ghi nhận từ khi giun móc hút máu, sau 124 phút, máu đã xuất hiện trào ra hậu môn của giun (theo Well, 1931); một con giun móc hút từ 0,1 - 0,3ml máu mỗi ngày (theo Nishi); người bị nhiễm 500 con giun móc, mỗi ngày có thể mất từ 40-80 ml máu (theo Roche). Ngoài tổn hại làm thiếu máu, giun móc còn gây nên hiện tượng viêm loét hành tá tràng nơi chúng ký sinh. Vì vậy, thiếu máu do giun móc là vấn đề cần đặc biệt quan tâm nhất là đối với đối tượng trẻ em lứa tuổi học sinh mẫu giáo ở nông thôn và miền núi để can thiệp biện pháp nhằm hạn chế những tác hại do nhiễm giun móc gây ra.

 

Đường xâm nhập của giun móc và cách phòng tránh bệnh

 

Giun móc xâm nhập vào người do ấu trùng của giun xuyên qua da. Trước đây bệnh được mô tả trong các sách y văn là “đất ăn chân” với các triệu chứng chính như ngứa, xuất hiện nhiều nốt màu đỏ, các nốt mẫn đỏ, có thể bị bội nhiễm do vi khuẩn gây lở loét da.

 

Ở trẻ em thường đi chân đất, chơi nghịch đất bẩn, do tình trạng tái nhiễm và do ngứa nên gãi và bị lỡ loét hoặc thành các vết sẹo đen, có khi trở thành chàm eczema. Vì vậy để hạn chế khả năng ấu trùng giun móc xâm nhập xuyên da, cần cho trẻ em giày dép bảo vệ, không đi chân đất, không nên chơi nghịch với đất bẩn để tránh tiếp xúc da.

 

Việc vệ sinh môi trường cũng cần được chú ý như quản lý chặt chẽ nguồn phân thải bằng hố xí hợp vệ sinh, trẻ em không được đi ngoài bừa bãi trên đất mà phải đi vào hố xí. Những nơi có tỷ lệ nhiễm giun móc cao, phải tổ chức điều trị hàng loạt để giảm ngay những tác hại do bệnh gây nên.

 

Tình hình trẻ em bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột, đặc biệt là trẻ mẫu giáo, nhà trẻ cần phải được nhà trường, phụ huynh, ngành giáo dục, ngành y tế...  chú ý quan tâm để có kế hoạch và biện pháp can thiệp phù hợp, hiệu quả nhằm góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ học đường nhất là ở những nơi có tỷ lệ nhiễm giun móc cao ở nông thôn, miền núi vì nó sẽ gây nên hậu quả thiếu máu do giun, làm hạn chế sự phát triển thể lực và tinh thần của trẻ, một thế hệ tương lai của đất nước.

 

Bs. Nguyễn Võ Hinh

Trung tâm PCSR-KST-CT Thừa Thiên Huế