Cân nặng của con hay “gánh nặng” của mẹ?
Chủ đề “sốt sình sịch” trong câu chuyện của các bà mẹ là cân nặng và cách nào để tăng cân cho con. Phải chăng cân nặng của con đang là “gánh nặng” với các mẹ Việt? Chỉ số cân nặng có phải thước đo duy nhất của một em bé khỏe mạnh?
Dạo qua các diễn đàn chăm sóc con và gia đình cụm từ “tăng cân cho con” luôn là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất với khoảng 784.000 kết quả trên Google và hơn 85.000 kết quả trên 1 diễn đàn.
“Tiền mất, tật mang” vì muốn con tăng cân nhanh
Không ít những chuyện bi hài đã xảy ra do sự sốt sắng muốn con tăng cân nhanh của những bà mẹ. Các mẹ mách cho nhau về các loại sữa nhập ngoại đắt tiền vì nghĩ sữa ngoại chắc sẽ bổ hơn. Nhưng ít các mẹ biết được chính xác về nguồn gốc của các loại sữa này, các nhãn hiệu sữa nổi tiếng thì càng có nguy cơ bị làm giả nhiều hơn. Tác hại của sữa giả thì rất nguy hiểm với sức khỏe của các con. Còn sữa bò cũng có nhiều tác hại mà mẹ chưa biết tới như hiện tượng hở ruột, dậy thì sớm… Vậy nên, với các trẻ nhỏ thì sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, dễ hấp thụ nhất.
Một thời gian, các mẹ truyền nhau về một đơn thuốc giúp trẻ tăng cân thần tốc. Chỉ sau 1 tháng kỉ lục có bé tăng 7kg, trông mập mạp, mặt mũi phúng phính. Nhưng khi dừng uống bé lại rơi vào tình trạng biếng ăn, sợ ăn, ốm yếu. Cơ quan chức năng đã vào cuộc và xét nghiệm thì kết quả đơn thuốc này có một loại thuốc chứa thành phần corticoid. Chất này khi dùng lâu ngày gây ra hàng loạt các phản ứng phụ và tích nước - chính vì thế mà trẻ tăng cân nhanh chóng. Tác hại của corticoid vô cùng nguy hiểm - làm ức chế hệ miễn dịch, khiến trẻ về sau dễ mắc bệnh; ngưng thuốc đột ngột rất nguy hiểm dễ làm suy tuyến thượng thận, có thể tử vong; gây hại hệ tiêu hóa, gây giảm hấp thu canxi khiến xương trẻ bị xốp và dễ gẫy.
Vậy là mẹ chưa kịp mừng vì con tăng cân thì đã lo “sốt vó” vì sợ con bị bệnh.
Cân nặng không phải thước đo duy nhất của một em bé khỏe mạnh
Theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, trẻ em bị kết luận là suy dinh dưỡng thì không chỉ xét trên biểu đồ cân nặng, chiều cao mà còn xét thêm các chỉ số khác như: chỉ số chiều cao với cân nặng, chỉ số vận động, chỉ số khối cơ thể BMI và nếu trẻ không đạt 5 tiêu chí này thì phải xét thêm 7 tiêu chí khác nữa.
Cụ thể, theo Bảng chỉ số cân nặng dưới đây của WHO đưa ra năm 2015:
- Đường màu xanh là cân nặng trung bình,
- Đường màu đỏ 2 là thừa cân cấp độ 1, đường màu đen 3 là thừa cân cấp độ 2,
- Đường màu đỏ -2 là thiếu cân cấp độ 1, đường màu đen -3 là thiếu cân cấp độ 2,
Nếu cân nặng của trẻ ở đường màu đỏ của kênh -2 hay đen của kênh -3 cũng chưa thể khẳng định ngay là trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng hay suy dinh dưỡng.
Cũng theo tổ chức này, trẻ em bị kết luận là suy dinh dưỡng thì không chỉ xét trên biểu đồ cân nặng, chiều cao mà còn xét thêm các chỉ số khác như: chỉ số chiều cao với cân nặng, chỉ số vận động, chỉ số khối cơ thể BMI và nếu trẻ không đạt 5 tiêu chí này thì phải xét thêm 7 tiêu chí khác nữa.
Như vậy cân nặng không phải là một thước đo duy nhất để đánh giá về sức khỏe và sự phát triển của một đứa trẻ.
Chuẩn phát triển của trẻ theo WHO
WHO cũng đã đưa ra các tiêu chí cho chuẩn phát triển của một đứa trẻ như sau:
Phát triển toàn diện - không lấy cân nặng để đánh giá sự phát triển của trẻ;
Phát triển cân đối - phát triển đều giữa chiều cao và cân nặng
Phát triển vận động – trẻ biết hoạt động phù hợp với lứa tuổi của mình;
Thêm nữa là về yếu tố di truyền – trẻ được nuôi dưỡng tốt nhất thì sẽ phát triển được chiều cao, cân nặng… tối ưu trong gene được di truyền của mình.
Lời khuyên dành cho các mẹ
Vẫn là những lời khuyên cũ nhưng các mẹ nên kiên trì để áp dụng cho con. Không nên quá coi trọng cân nặng của con mà tạo “gánh nặng” cho bản thân. Bé có thể nhẹ cân hơn bé hàng xóm nhưng vẫn khỏe mạnh, chiều cao phát triển khá, thông minh và nhanh nhẹn thì mẹ cứ yên tâm nuôi con.
Mẹ hãy lên thực đơn phong phú để có bữa ăn hấp dẫn với bé. Luôn để bé có tâm lý thoải mái đừng ép bé ăn bằng mọi cách. Bố mẹ nên đưa bé đến khám bác sĩ trong trường hợp bé có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi con bị rối loạn tiêu hóa thì nên cung cấp cho con men tiêu hóa và những enzym tiêu hóa (Lipase, α- Amylase, Protease, Lactase…) để hỗ trợ tiêu hóa và đồng thời bổ sung cho con một số chất bổ cần thiết (vitamin A, C, D, B1-2-6-12), khoáng chất (kẽm, selen) để kích thích ăn ngon, phát triển toàn diện và khỏe mạnh.
Hành trình nuôi con của một người mẹ thật gian nan. Đừng làm khó cho bản thân và con bằng việc theo đuổi cân nặng. Đồng thời các mẹ hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, khoa học để có thể nuôi con trở thành những đứa trẻ được phát triển toàn diện.
Út Phương