Cần nắm để không bị “chặt chém” giá khi mua thuốc tại quầy thuốc của bệnh viện, phòng khám

(Dân trí) - Nhà thuốc trong khuôn viên các cơ sở khám, chữa bệnh không được bán thuốc cao hơn giá niêm yết. Cùng với đó, giá bán lẻ thuốc không được chênh lệch quá 15% so với giá nhập.

Để tránh trở thành nạn nhân của hành vi “chặt chém” tại các quầy bán lẻ thuốc, ngay trong khuôn viên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nên “nằm lòng” cho mình những quy định của nhà nước về quản lý giá thuốc tại các cơ sở này.

Theo Điều 135, Nghị định 54/2017/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược”, được Chính phủ ban hành ngày 08/5/2017, các cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc. Việc niêm yết giá bán lẻ thuốc được thực hiện bằng các hình thức in, ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc; hoặc thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác phù hợp và phải thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không che khuất nội dung bắt buộc của nhãn thuốc. Đồng niêm yết giá là đồng Việt Nam; giá niêm yết là giá đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có của thuốc); cơ sở bán thuốc không được bán cao hơn giá do cơ sở đã niêm yết.

Cần nắm để không bị “chặt chém” giá khi mua thuốc tại quầy thuốc của bệnh viện, phòng khám - 1

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có những quy định cụ thể để khống chế, siết chặt quản lý với giá thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên của cơ sở khám, chữa bệnh. Những quy định này được nêu rõ tại Điều 136 của Nghị định  54/2017/NĐ-CP :

-Giá bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm giá mua vào ghi trên hóa đơn và thặng số bán lẻ (trị giá tiền chênh lệch giữa giá thuốc bán ra và giá thuốc mua vào của cơ sở bán lẻ thuốc) tính bằng mức thặng số bán lẻ nhân với giá mua vào. Cụ thể:

Giá bán lẻ = Giá mua vào + Mức thặng số bán lẻ (%) × Giá mua vào

-Mức thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cao hơn mức thặng số bán lẻ tối đa như sau:

a) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 15%.

b) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 đồng đến 5.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 10%;

c) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 đồng đến 100.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 7%;

d) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 5%;

đ) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1.000.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 2%.

Lưu ý, đơn vị đóng gói nhỏ nhất để tính thặng số bán lẻ được quy định như sau:

a) Đối với dạng bào chế là viên, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là viên.

b) Đối với dạng bào chế là dạng lỏng, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là ống, chai, lọ, túi, ống tiêm, bơm tiêm đóng sẵn thuốc.

c) Đối với dạng bào chế là dạng bột pha tiêm, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là ống, chai, lọ, túi, ống tiêm, bơm tiêm đóng sẵn thuốc.

d) Đối với dạng bào chế là dạng bột, cốm pha uống, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là gói, chai, lọ, túi.

đ) Đối với dạng bào chế là kem, mỡ, gel dùng ngoài, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là tuýp, lọ.

e) Đối với dạng bào chế là thuốc dán, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là miếng dán.

g) Đối với dạng bào chế là thuốc xịt hay thuốc khí dung, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là bình xịt, chai xịt, lọ xịt hoặc lọ đựng thuốc dùng cho máy khí dung.

h) Đối với dạng bào chế là bộ kít phối hợp, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là bộ kít.

Minh Nhật