Cần làm gương cho trẻ

Các nhà giáo dục Âu - Mỹ thường hay than thở một thiếu nhi Mỹ trung bình mỗi ngày ngồi từ 3-5 giờ trước máy truyền hình hay vi tính.

Vì vậy, tính đến khi tốt nghiệp trung học thì phần lớn thiếu nhi Mỹ dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình hơn là ngồi trong lớp học.

Trong cuộc sống cá nhân của thanh thiếu niên nhiều nước ngày nay, thời gian ngồi trước màn hình xem ra chỉ thua thời gian nằm ngủ trên giường. Ở nước ta hiện nay, trẻ em cũng có khuynh hướng tương tự. Nếp sinh hoạt này thường dẫn đến những hậu quả tai hại cả về mặt thể chất lẫn trí tuệ.

Cần làm gương cho trẻ

Trẻ lạc vào lối sống lười vận động, ưa dùng các đồ ăn thức uống theo kiểu mì ăn liền, thức ăn nhanh... khiến trẻ trở nên trì trệ, mập phì; thích thu mình trong góc phòng bên cạnh cái chiếc máy truyền hình, không muốn vui chơi với các bạn cùng lứa tuổi, không thích trò chuyện ngay cả với những người thân cùng sống trong một mái nhà.

Đáng ngại hơn nữa là những tác hại về mặt tâm lý, tinh thần. Chẳng hạn như chơi game. Mỗi ngày, ngồi trước màn hình hơn 6 tiếng thì được gọi là nghiện game. Các game thủ ngồi trước màn hình quá lâu có thể bị loạn thần, mắc chứng ám ảnh, lo sợ bị giết bởi ma quỷ. Xem các chương trình đầy cảnh bạo lực, khiêu dâm sẽ biến trẻ thành những con người vô cảm, tàn nhẫn, dễ kích động gây hấn, tò mò về những chuyện dâm tà.

Để đối phó với những vấn đề trên, các bậc cha mẹ cần lưu ý:

- Giới hạn thời gian, không cho trẻ ngồi lâu trước màn hình. Cụ thể đối với trẻ dưới 10 tuổi thì không quá 60 phút/ngày, không quá 120 phút/ngày đối với trẻ từ 10-15 tuổi.

- Khuyến khích trẻ tham gia các sinh hoạt ngoài trời, tập thể dục thể thao đều đặn như bơi lội, đánh cầu lông...

- Hướng dẫn trẻ làm quen với những thú tiêu khiển hữu ích như hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, sưu tập tem.

- Nói chuyện với trẻ và khuyến khích trao đổi những ý nghĩ, những nhận định về các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

- Để mắt theo dõi nội dung các trò game, phim ảnh... để hạn chế những loại không thích hợp với độ tuổi hay trình độ của trẻ.

- Phổ biến những kiến thức cơ bản về cả hai mặt lợi và hại của truyền hình, vi tính, trò chơi điện tử và khi nào thấy cần thì nên thay thế ngay bằng những phương cách giải trí, tiêu khiển khác. Trong các trường hợp khó giải quyết, có thể tắt hẳn truyền hình trong 1-2 ngày để cho trẻ suy nghĩ lại mà có thái độ đúng mực hơn đối với màn hình vốn đã trở thành ma lực!

Có điều tưởng như dễ dàng nhưng lại vô cùng khó khăn là không ai có thể dạy bảo hoặc ép buộc con cháu vào khuôn phép nếu mình cũng ngồi suốt cả ngày không mệt mỏi trước màn hình để xem phim, đá bóng... Vấn đề ở đây là cần phải làm gương cho trẻ.

Theo BS Ngô Văn Tuấn

Người lao động