Cần khoảng 1 triệu liều vắc xin Pentaxim mới không xảy ra chen lấn

(Dân trí) - Tại cuộc họp nóng cuối giờ ngày 25/12 sau sự cố một phòng tiêm chủng tại Hà Nội xảy ra cảnh hỗn loạn, chen lấn đến mức công an phải vào cuộc, phải tạm dừng tiêm chủng, Bộ Y tế nghiêm khắc phê bình đơn vị tổ chức tiêm chủng vắc xin dịch vụ 5 trong 1 tại 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội.

Bố mẹ đội mưa rét đứng xếp hàng tại phòng tiêm 182 Nguyễn Chí Thanh từ đêm 24/12 để lấy số tiêm ngừa cho con. Ảnh: Phương Chi
Bố mẹ đội mưa rét đứng xếp hàng tại phòng tiêm 182 Nguyễn Chí Thanh từ đêm 24/12 để lấy số tiêm ngừa cho con. Ảnh: Phương Chi

Tiếp tục tiêm Quinvaxem tại điểm tiêm dịch vụ

Cuộc họp nóng diễn ra ngay cuối giờ chiều ngày 25/12, sau sự cố “vỡ trận” tiêm chủng khiến nhiều người dân bức xúc. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp đã giao Cục Y tế dự phòng làm đầu mối tổ chức cuộc họp để trao đổi, thảo luận và thống nhất cách thức triển khai tổ chức tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng vắc xin dịch vụ để tránh tình trạng tập trung đông người gây mất trật tự, chen lấn, xô đẩy, gây bức xúc cho người dân.

Đặc biệt, Thứ trưởng Long chỉ đạo phải tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin Quinvaxim trong tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Bởi thời gian qua, khi vắc xin dịch vụ chưa về, lượng trẻ được tiêm Quinvaxem tại các điểm tiêm dịch vụ là rất ổn định. Như tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, mỗi tháng có đến 4.000 liều Quinvaxem được tiêm cho trẻ (tại điểm tiêm dịch vụ gây cảnh hỗn loạn sáng 25/10 chỉ có 420 liều tiêm - phóng viên).

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chỉ đạo Tổng Công ty Dược khẩn trương làm việc với các đơn vị nhập khẩu vắc xin để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cần 600 nghìn liều mỗi năm để không “vỡ trận”

Về tình hình nhập khẩu vắc xin dịch vụ, bà Đặng Hồng Thúy, Giám đốc Công ty tư vấn phát triển đầu tư và thương mại Hồng Thúy cho biết, công ty bà đã đặt hàng lên con số hàng trăm nghìn liều nhưng không được đáp ứng.

“Chúng tôi được nhà sản xuất thông báo cung ứng 15.000 liều (đã phân phối cho các cơ sở) và sắp tới có tiếp 34.000 liều (đến tháng 1 mới ra thị trường), như vậy tổng cộng là 43.000 liều”, bà Thúy nói.

Theo bà Thúy, về con số 160.000 liều vắc xin được nhập về bà chỉ qua thông tin của Cục Quản lý Dược. Nếu con số này được phân bổ đều cho cả hai miền Nam - Bắc thì tình hình vắc xin sẽ đỡ căng thẳng hơn.

Tuy nhiên theo bà Thúy, để đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 trong nước thì mỗi năm cần nhập khoảng 600.000 - 1 triệu liều. Dự báo sang năm 2017, tình hình cung cấp vắc xin sẽ ổn định hơn.

Được biết hiện ở Việt Nam có hai đơn vị được Sanofi chọn là nhà phân phối trực tiếp là Công ty Hồng Thúy- phía Bắc và Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm May- phân phối phía Nam. Dù chủ động đăng kí hàng trăm nghìn liều, nhưng Việt Nam nhận được bao nhiêu liều vắc xin hoàn toàn do hãng Sanofi tự phân bổ cho các nước, khu vực Bắc và Nam.Hồng Hải