1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thanh Hóa:

Cán bộ dân số cơ sở "gồng mình" mưu sinh

(Dân trí) - Đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số là những người cống hiến sức mình cho xã hội một cách thầm lặng. Ít ai biết được rằng, ở một góc khuất của cuộc sống, họ đang “gồng mình” mưu sinh với đồng lương trợ cấp quá ít ỏi.

Theo thông tư 05/2008/TT-BYT yêu cầu các tỉnh thành căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, đưa số cán bộ chuyên trách (CBCT) vào biên chế thành viên chức. Nhưng hiện tại, toàn tỉnh Thanh Hóa có 637 CBCT vẫn đang mòn mỏi chờ đợi ngày vào biên chế.

Chính vì vậy, đời sống của họ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Những bất cập trong cơ chế, chế độ đãi ngộ là rào cản, làm hạn chế khả năng phát huy tính tích cực trong công việc. Trách nhiệm, ngọn lửa nhiệt huyết họ đang cống hiến cho sự nghiệp dân số liệu sẽ tồn tại được bao lâu, khi gánh nặng cơm áo cứ đè níu.

Cán bộ dân số cơ sở gồng mình mưu sinh
Chị Lê Thị Hoa, CBCT xã Luận Thành, huyện Thường Xuân đang làm thêm công việc khác.

Chị Nguyễn Thị Tâm, cán bộ dân số xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, với 8 năm trong ngành, gặp chúng tôi, chị lau vội những giọt mồ hôi còn lấm lem trên trán, giọng trầm buồn tâm sự: “Là một xã bãi ngang lớn nhất huyện, với 3013 hộ, 14.125 nhân khẩu, 13 thôn rộng lớn, trình độ dân trí thấp, tập quán đẻ nhiều, đẻ bằng được con trai đã ăn sâu, bám rễ vào trong tiềm thức mọi người. Công việc khá nặng nề, thường xuyên đi lại, bám sát nhất là những đối tượng sinh con một bề, để tuyên truyền, vận động. Ngày trước chỉ vẻn vẹn 250.000đ/tháng, từ năm 2010 tăng lên 710.000đ/tháng. Ngần ấy trợ cấp cho một khối lượng công việc thường xuyên phải đi lại thì không đủ tiền xăng, nên đành đi xe đạp. Trời mùa đông còn đỡ, cái nắng 39, 40 độ thì cũng vất vả, cực nhọc lắm”.

Cũng như bao đồng nghiệp, ngoài công việc chuyên môn chị tranh thủ từng giờ để làm thêm. Ngày nào cũng thế, 5 giờ sáng chị lật đật ra biển, bốc cá thuê từ trên tầu xuống, sau đó chị lại hối hả đèo thùng cá ra chợ bán, mong sao nhanh hết để còn kịp giờ đi làm. Ngay cả những lúc nghỉ trưa hay buổi tối, nếu có ai nhờ chị làm thêm cả việc chạy xe ôm. Những ngày nghỉ, có thời gian chị theo chồng đi khoan giếng thuê. Nhưng cuộc sống vẫn túng thiếu, lận đận.

“Nhiều lúc cảm thấy nản lắm, muốn bỏ việc để đi làm thuê, nhưng nghĩ lại, cả một quá trình song hành cùng dân số với bao kỉ niệm vui buồn, đó là nguồn động viên giúp mình vượt qua. Chỉ mong sao đồng lương chúng tôi nhận được, xứng đáng với những gì chúng tôi đã cống hiến”, chị Tâm chia sẻ.

Cán bộ dân số cơ sở gồng mình mưu sinh
Chị Nguyễn Thị Tâm, CBCT xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương tranh thủ bốc cá thuê ngoài bãi biển.

Chị Nguyễn Thị Vy, CBCT xã Hoằng Yến, Hoằng Hóa gượng cười: “Tiếng là cán bộ nhưng thực chất là một nông dân thực thụ, 12 năm gắn bó với nghề, quãng thời gian quá dài, nếu không có nhiệt huyết có lẽ tôi không bám trụ được. Nhà làm hơn mẫu ruộng, 2 vợ chồng vẫn phải vay mượn mỗi khi cuối tháng, để có tiền gửi cho con ăn học. Ngần ấy tiền trợ cấp, chia ra mỗi ngày được khoảng 20.000đ, may ra đủ tiền xăng xe và mua bó rau là cùng”.

Chia tay chị với nụ cười đượm buồn, chúng tôi không khỏi ái ngại. Đã ngoài 40 tuổi, cả đời xuôi ngược tại cơ sở nhưng vẫn không nằm trong diện được biên chế.

Đối với cán bộ ở các huyện miền núi cuộc sống vốn đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn. Chị Lê Thị Hoa, CBCT xã Luận Thành, huyện Thường Xuân băn khoăn: “Thường Xuân là một trong 62 huyện nghèo nhất nước, một bộ phận dân cư cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, con cái không được đến trường, ốm đau không được cán bộ y tế chăm sóc, phải đến với thầy mo, thầy cúng. Cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng từ đời này sang đời khác. Những cái khó, cái khổ nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là bùng nổ dân số”.

Ngọc Lặc là huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa. Công tác cập nhật thông tin ở 1 số xã cách trung tâm 30-40km còn chậm. Mất khá lâu, nhờ người đi tìm, chúng tôi mới gặp được chị Lê Thị Định, CBCT xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc với gùi củi lớn trên vai, chị phân trần: “Tốt nghiệp Trung cấp Y năm 2010, học xong em về địa phương lấy chồng và làm công việc dân số, đồng lương ít ỏi, đường xá đi lại khó khăn, đa phần là người Mường, nên công tác tuyên truyền vô cùng vất vả. Diện tích đất nông nghiệp ít, 1 buổi đi làm, thời gian còn lại 2 vợ chồng vào núi chặt củi mang ra chợ bán, mỗi chuyến cũng chỉ được 40-50.000đ. Từ ngày đi làm em chưa mang được đồng lương nào về, có hôm chồng còn phải đưa tiền đổ xăng”.

Những tâm sự nặng trĩu về miếng cơm, manh áo hàng ngày của cán bộ dân số là những góc khuất, mà bấy lâu, dường như đang bị lãng quên. Sự chờ đợi cứ mòn mỏi, trôi theo từng bước chân vẫn đang lặng thầm trên khắp các nẻo đường. Biết đến bao giờ, các chị - những người được xã hội đặt cho biệt danh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” không còn chạnh lòng mỗi khi nghỉ tới tiền lương.

Cán bộ dân số cơ sở gồng mình mưu sinh
Chiến dịch dân số tại huyện Hoằng Hóa.

Hiện nay, theo Quyết định 619/2010 của UBND tỉnh, trợ cấp của mỗi CBCT là 0,7, cộng với tiền hỗ trợ từ nguồn chương trình mục tiêu Quốc gia, cán bộ dân số miền xuôi được lĩnh mỗi tháng 710.000đ, miền núi 760.000đ. Trong khi đó, năm 2012 toàn tỉnh có 7435 CTV, những năm về trước, mỗi CTV được trợ cấp 50.000đ/tháng, năm 2012 tăng lên 83.000đ.

Ông Đỗ Quang Vinh, Phó giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: “Trong tương lai, hướng của Tổng cục dân số đề xuất với Bộ Y tế, nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, đội ngũ CBCT được vào biên chế nhưng không vào Trạm y tế xã, mà trực thuộc Trung tâm dân số cấp hyện, để chủ động trong công việc. Bản thân tôi cảm thấy rất day dứt khi mức trợ cấp còn quá thấp, đời sống của chị em gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị các cấp từ TW, tới địa phương nhanh chóng hoàn thiện mô hình tổ chức để ổn định bộ máy dân số tuyến cơ sở, từng bước nâng cao chế độ đãi ngộ để chị em yên tâm, gắn bó với nghề”.

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm