1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Căn bệnh có 1/3 người mắc tử vong do chẩn đoán và điều trị chậm trễ

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cho biết, 1/3 số người mắc bệnh này tử vong do chẩn đoán và điều trị chậm trễ. Những trường hợp giữ được tính mạng cũng phải đối mặt với nhiều biến chứng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Cách đây ít ngày, ông T.T.H. (61 tuổi, ngụ TPHCM) được gia đình đưa đi cấp cứu trong tình trạng khó thở, đau ngực, tụt huyết áp. Tiến hành siêu âm tim và chụp CT scan ngực cho người bệnh, bác sĩ phát hiện tình trạng suy tim cấp do cục máu đông gây tắc các nhánh lớn động mạch phổi.

Ngay lập tức, đội nhóm phản ứng nhanh của bệnh viện hội chẩn để đưa ra phương án điều trị tối ưu cho người bệnh. Sau hội chẩn, ông H. được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết để tái thông mạch máu phổi. Nhờ can thiệp kịp thời, ông H. hết đau ngực, huyết áp dần ổn định. 4 ngày sau điều trị, hình ảnh siêu âm tim và CT scan ngực của bệnh nhân trở lại bình thường.

ThS.BS Bùi Thị Hạnh Duyên, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, thuyên tắc phổi là tình trạng tắc động mạch phổi thường, do huyết khối từ hệ tĩnh mạch sâu chi dưới. Đây là bệnh lý cấp tính nguy hiểm có thể dẫn đến suy hô hấp cấp, suy tuần hoàn cấp, tăng áp phổi cấp và tử vong.

Triệu chứng thuyên tắc phổi có thể khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào thể tích phổi, kích thước cục máu đông và khả năng mắc các bệnh về phổi hoặc tim mạch. Mặt khác, các triệu chứng của thuyên tắc phổi còn rất giống với nhiều tình trạng bệnh lý khác, nên thường dễ bị nhầm lẫn.

Các yếu tố nguy cơ chính của thuyên tắc phổi gồm: sau phẫu thuật (phẫu thuật lớn ở vùng bụng, vùng chậu, thay khớp háng, đầu gối,...), yếu tố sản khoa (giai đoạn cuối thai kỳ, mổ lấy thai, hậu sản), bệnh lý ác tính (ung thư vùng bụng - chậu, giai đoạn di căn), gãy xương chi dưới, hạn chế vận động, tiền căn có huyết khối tĩnh mạch...

Căn bệnh có 1/3 người mắc tử vong do chẩn đoán và điều trị chậm trễ - 1

Thuyên tắc phổi có nhiều nguyên nhân gây ra, triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác (Ảnh: BV).

Một số yếu tố nguy cơ ít phổ biến hơn của thuyên tắc phổi bao gồm: bệnh tim mạch, sử dụng nội tiết tố (estrogen - thuốc tránh thai đường uống, liệu pháp thay thế hormone), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, béo phì, di chuyển đường dài trong tư thế ngồi...

Theo TS.BS. Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội Tim mạch của bệnh viện, có khoảng 1/3 số người bị thuyên tắc phổi tử vong do chẩn đoán và điều trị chậm trễ. Những trường hợp giữ được tính mạng cũng phải đối mặt với nhiều biến chứng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, việc điều trị đúng cách và kịp thời rất quan trọng.

Bác sĩ Bùi Thế Dũng cho biết, để điều trị hiệu quả và tránh tái phát thuyên tắc phổi, người bệnh cần đạt được mục tiêu 3 đúng: chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đúng thuốc, sử dụng thuốc đúng liều và đủ thời gian. Các phương pháp thường được chỉ định gồm liệu pháp chống đông, can thiệp qua ống thông hoặc phẫu thuật.

Ngoài điều trị y khoa, người bị thuyên tắc phổi cần kết hợp với việc thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, như hạn chế nằm quá lâu, thường xuyên vận động và tập thể dục, không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích, kiểm soát cân nặng...