Cảm lạnh có nên chữa bằng thuốc Tây?

(Dân trí) - Không có một loại thuốc nào có thể chữa được cảm lạnh thông thường, mà chỉ có thể làm giảm một vài triệu chứng của bệnh. Khi bé bị cảm lạnh, tốt nhất nên xông hơi, nấu cháo gừng, dùng các phương thuốc dân gian để chữa cảm lạnh cho trẻ.

Đi bơi về con tôi bị hắt hơi, sổ mũi, họng bị sưng. Cháu còn bị ho, sốt nhẹ, mệt mỏi và người đau nhức. Tôi nghĩ do cháu ngâm nước lâu nên bị cảm lạnh và đã mua thuốc cảm thông thường về cho cháu uống nhưng không thấy đỡ. Xin hỏi bác sĩ nên dùng thuốc nào khi trẻ bị cảm lạnh? - Thu Thuỷ (Thừa Thiên - Huế)

 

Bác sĩ Trương Ngọc Dương, Khoa Nhi Viện Quân y 103 trả lời: Con chị rất có thể bị cảm lạnh vì bé đã ngâm nước lâu. Chị mua các loại thuốc cảm cho cháu uống nhưng không đỡ là đúng, vì không một loại thuốc nào có thể chữa được cảm lạnh thông thường mà chỉ làm giảm một vài triệu chứng nhức mỏi cơ, đau đầu, sốt… Thường bệnh tự khỏi sau 1 tuần.

 

Khi bị cảm lạnh, trẻ thường bị ngạt mũi rất khó chịu. Vì thế cha mẹ thường dùng các loại thuốc làm thông mũi và thuốc chữa dị ứng để làm giảm triệu chứng, nhưng thực tế chúng chỉ có tác dụng tức thời sau khi xịt thuốc vào mũi, còn nó không có hiệu qủa thực sự trong điều trị. Tuy vậy, bạn cũng có thể xịt khi trẻ khó thở do ngạt mũi.

 

Bạn có thể cho trẻ uống Acetaminophen hoặc Ibuprofen theo chỉ dẫn dành cho lứa tuổi và cân nặng. Tuy nhiên, tuyệt đối không cho trẻ dưới 12 tuổi uống Aspirin. Tất cả trẻ em dưới 19 tuổi nên tránh Aspirin trong khi đang mắc bệnh do virus gây nên. Nguyên nhân là Aspirin có thể làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng Reye - một căn bệnh hiếm gặp và có thể gây chết người.

 

Để đối phó với cảm lạnh, bạn có thể làm cho bé dễ chịu hơn bằng một số cách sau:

-         Nhỏ nước muối vào hốc mũi để giảm nghẹt mũi;

-         Chạy máy giữ độ ẩm và thoáng mát để làm tăng độ ẩm của không khí;

-         Bôi kem làm mềm da lên vùng da dưới mũi để tránh trầy xước da bé do lau chùi nước mũi;

-         Cho trẻ trên 3 tuổi ngậm viên kẹo hoặc thuốc ho để giảm sưng họng;

-         Tắm nước ấm (có thể giã một chút gừng bỏ vào nước) để làm bớt tình trạng đau mỏi cơ.

 

Nếu thấy bé đỡ các triệu chứng sốt, sổ mũi, xưng họng… bạn có thể nấu một nồi lá xông, xông hơi cho bé toát mồ hôi. Sau khi xông hơi, bé sẽ thấy rất dễ chịu, đỡ đau đầu và mỏi nhức cơ.

 

Hồng Hải