Cảm động câu chuyện nghề ô sin bệnh viện

Cắt tóc, cạo râu, tiếp xúc với những vết thương lở loét, truyền nhiễm, thậm chí lau rửa, trang điểm cho những bệnh nhân đã qua đời... là công việc thường nhật của chị Trần Thị Mỳ (Hạ Hòa, Phú Thọ) trong suốt 15 năm qua.

Quãng thời gian gắn bó với cái nghề ô sin bệnh viện, nhiều câu chuyện bi hài đã diễn ra, có thời điểm tưởng chừng như người đàn bà này đã… bỏ mạng vì nghề.


Việc cho bệnh nhân ăn đã trở nên thành thục với một hộ lý
nghiệp dư như chị Mỳ. Ảnh N.Mai
Việc cho bệnh nhân ăn đã trở nên thành thục với một hộ lý nghiệp dư như chị Mỳ. Ảnh N.Mai

Thêm điểm tựa cho bệnh nhân neo đơn

Theo chỉ dẫn của một bảo vệ ở Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi liên lạc với chị Trần Thị Mỳ và được biết hiện chị đang chăm sóc một bệnh nhân liệt não, viêm phổi tại Bệnh viện Xây dựng.

Tìm gặp chị vào đầu giờ chiều và chứng kiến cảnh chị chăm người bệnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi các thao tác nhanh nhẹn, chính xác được thực hiện từ bàn tay nghiệp dư nhưng lại thuần thục như một hộ lý chuyên nghiệp. Xong việc, tranh thủ chút thời gian rảnh, người phụ nữ ngoài 50 tuổi nhớ lại những ngày tháng “đóng thế” làm phúc của mình.

Chị Mỳ cho biết, vì gia cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất, các con còn đang tuổi cắp sách đến trường, năm 2000 chị đành phải xa nhà xuống Hà Nội tìm việc. Sau đó, nhờ người giới thiệu, chị vào viện trông một cụ già bị bệnh nan y phải nằm điều trị lâu ngày. Tuy được trả thù lao khá nhưng công việc của chị rất vất vả. Lúc đầu chưa quen việc và không hiểu về các thuật ngữ chuyên môn trong ngành y nên chị lóng ngóng như “cô dâu mới về nhà chồng”. Lâu dần, làm lụng chăm chỉ, biết lắng nghe và học hỏi nên chị Mỳ thạo việc hơn và bắt đầu được mọi người tin tưởng, gọi chị trông nom người thân khi họ có nhu cầu.

“Có người nhờ là mình làm, không phân biệt nam hay nữ, bệnh nhân lở loét, liệt, thần kinh hay truyền nhiễm. Ban đầu cũng sợ bị lây nhiễm nhưng làm nhiều thành quen. Mình cứ nhiệt tình giúp họ, coi như người thân trong nhà thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn”, chị chia sẻ.

Khi được hỏi về số lượng bệnh nhân chị đã từng chăm sóc, người phụ nữ này kể vanh vách tên, tính cách, địa chỉ của từng người. Hơn 10 năm làm nghề, chị đã quen với cơm bệnh viện và những đêm dài thức trắng. Nhờ những người như chị mà các bệnh nhân neo đơn không nơi nương tựa, các y bác sỹ cũng đỡ phần vất vả khi chăm sóc bệnh nhân.

Suýt mất mạng vì nghề

Vẫn biết “trăm hay không bằng tay quen” nhưng nhiều lúc chị Mỳ cũng gặp phải những tình huống “dở khóc dở cười”, thậm chí có lần suýt… mất mạng vì nghề. Chị Mỳ kể, lần nhận chăm một bệnh nhân nam cao tuổi bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, chị được một phen sợ “tái mặt”. Lần ấy, chị được thuê chăm người bệnh với mức thù lao khá cao do người nhà bận việc nên rất ít khi vào thăm bệnh nhân. Một mình chị phải vật lộn với người bệnh.

Bệnh nhân kể cho chị nghe những năm tháng thời trai trẻ và nguyên nhân khiến ông đổ bệnh. Hiểu câu chuyện của ông, chị càng đồng cảm và động viên để ông lạc quan lấy sức đối đầu với cơn bạo bệnh. Trong một lần lau rửa vết thương cho người bệnh, do sơ ý, máu của bệnh nhân dính vào người khiến chị mất ăn mất ngủ mấy ngày trời.

Sau đó, chị Mỳ đã phải đi xét nghiệm máu. “Trước khi nhận kết quả, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý, nếu vô tình nhiễm HIV thật, tôi cũng không oán trách ai cả. Có thể đó là do số mệnh của tôi, chỉ thương đàn con nhỏ đã khốn khó này càng khổ hơn. Đã có lúc trong đầu thoảng qua ý nghĩ sẽ tìm đến cái chết để người thân không phải lo lắng”, chị chia sẻ. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm âm tính đã cho chị “một phiếu” ở lại với đời, với nghề.

Việc thường xuyên ngủ mà không có màn che chắn cũng khiến chị Mỳ nhiều lần gặp họa. “Sáng dậy thấy mặt ngứa ngáy, khó chịu. Vào soi gương mới thấy mặt mình chi chít nốt muỗi đốt chẳng khác nào “gai mít”. Cứ nghĩ không sao, vài ba hôm là lặn, nào ngờ lần ấy tôi bị sốt xuất huyết và suýt chết. Nhiều người ở viện nghĩ tôi không qua khỏi, gọi gia đình đến để đưa về quê, đợi ngày… lo hậu sự. Ấy thế mà tôi vẫn sống đến bây giờ”, chị Mỳ cười và kể lại một lần “chết hụt” của mình cách đây hơn 3 năm.

Bệnh nhân…chết trên tay

Làm cái nghề thường xuyên tiếp xúc với người ốm, đặc biệt là những người bị bệnh nặng, hiểm nghèo mà với họ cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Vì vậy, chị Mỳ đã nhiều lần “chết đứng” khi người bệnh… chết trên tay mình. Không ít lần chị đã rớt nước mắt khi chứng kiến sự ra đi của người bệnh khi họ từ giã cõi đời mà chưa kịp nhìn mặt người thân lần cuối và lúc đó chỉ có chị là “người nhà” duy nhất trong căn phòng lạnh lẽo ấy. Khi bệnh nhân mất, chị tận tình lau rửa, trang điểm cho tử thi như người thân của mình. Ngày mùng Một và ngày Rằm mỗi tháng, chị Mỳ đều đến chùa thắp hương, cầu nguyện cho gia đình mình và cầu cho các bệnh nhân đã mất của chị sớm được siêu thoát.

Ngồi cho bệnh nhân ăn, chị Mỳ nói về mong ước của cuộc đời mình là làm sao cho những người thân trong gia đình được sống yên vui, những người bệnh sớm bình phục để sớm đoàn tụ với gia đình của họ. Về phần mình, chị cũng ước có được giấc ngủ ngon, ăn bữa cơm tự nấu và được hưởng cái Tết sum vầy bên gia đình.

Chị Trần Thị Mỳ cho biết, không chỉ chăm sóc cho những bệnh nhân là người Việt Nam, chị cũng từng nhận trông nhiều người bệnh là người nước ngoài. Dù trong quá trình chăm sóc không giao tiếp bằng ngôn ngữ được với nhau nhưng giữa chị và người bệnh vẫn có một sợi dây ngầm, hiểu nhau qua những cử chỉ, hành động. Có một bệnh nhân người Lào, nhờ sự chăm sóc tận tình của chị, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe, trở về nước và vẫn đến cảm ơn, thăm hỏi chị mỗi khi có dịp trở lại Việt Nam.

Theo Mai Nguyễn

Báo Gia đình & Xã hội