Cách phát hiện gạo giả, gạo nhựa Trung Quốc

Nhiều tiểu thương kinh doanh gạo ở TPHCM cho biết họ đã tiếp nhận thông tin gạo giả Trung Quốc (TQ) tuồn vào các nước châu Á qua báo đài, còn hiện tại việc kinh doanh của họ vẫn diễn ra bình thường.

Ngày 21/5, PV Pháp Luật TPHCM đã khảo sát vài vựa kinh doanh gạo ở TPHCM và ghi nhận chưa có hiện tượng bán gạo giả TQ. Ông Trần Minh Quang (chủ vựa gạo Quang Gạo, số 40 đường D1, phường 25, Bình Thạnh) cho biết vựa của ông bán nhiều loại gạo có nguồn gốc từ Long An. “Mỗi loại gạo tôi đều nấu ăn trước để biết đặc tính dẻo, khô, thơm… nhằm giới thiệu người mua. Do vậy nếu lọt gạo giả vào là tôi phát hiện ra ngay” - ông Quang khẳng định.

Ông Quang đang bán gạo cho khách hàng. Ảnh: T.NGỌC
Ông Quang đang bán gạo cho khách hàng. Ảnh: T.NGỌC

Tương tự, tất cả gạo kinh doanh tại vựa Vinagao (152 Thống Nhất, phường 10, Gò Vấp) có nguồn gốc ở tỉnh Đồng Tháp. PV Pháp Luật TP.HCM hỏi bà Vân Anh, chủ vựa, cách phân biệt gạo thật và giả. Với kinh nghiệm bán gạo gần 10 năm, bà Vân Anh hướng dẫn khá đơn giản: “Gạo thật luôn có một màng phủ bên ngoài (tựa như cám). Khi vo gạo màng phủ sẽ tróc làm nước đục. Ngoài ra khi bóp chặt nắm gạo, buông tay ra nhiều hạt gạo vẫn dính trong lòng bàn tay nhờ màng phủ. Còn gạo giả, do làm bằng nhựa nên nước vo gạo vẫn trong và ít dính trong lòng bàn tay”.

Ngày 20-5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh thông tin gạo giả xuất hiện ở Việt Nam. Cục cũng đề nghị người dân nếu phát hiện những nghi ngờ, bất thường thì thông báo ngay cho các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, UBND xã/phường, trạm y tế xã/phường.

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM