Cách nào giảm 50% số người mắc bệnh lao vào 2015?

(Dân trí) - Là bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn, nguy hiểm đối với tính mạng, do đó 1 trong những mục tiêu quan trọng của chương trình Phòng chống lao quốc gia đến năm 2015 là giảm 50% số người mắc bệnh lao.

Bệnh nhân lao cần được chăm sóc tại các cơ sở y tế
Bệnh nhân lao cần được chăm sóc tại các cơ sở y tế

Cứ 1 giờ có 2 người chết vì lao

 

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính mỗi năm có 8,8 triệu bệnh nhân lao mới; 1,1 triệu người chết do lao và 350 người chế do cả lao đồng nhiễm HIV; 9,7 triệu trẻ em mồ côi do cha mẹ chết vì lao.

 

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu VINCOTB-06, ước tính trước đây về tỉ lệ hiện mắc lao ở Việt Nam là dưới mức khoảng 60%. Còn theo báo cáo của WHO năm 2012, Tỉ lệ mắc lao mới tại Việt Nam  là 188/100.000 dân; số người hiện mắc lao các thể là 170/100.000 dân và số người tử vong do lao (đã loại trừ HIV) là 21/100.000 dân.

 

Như vậy, mỗi năm nước ta có 18.000 người tử vong do lao, tức là cứ 1 giờ có 2 người chết vì lao.

 

Tuy nhiên, dù trở thành 1 ưu tiên của Chiến lược tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo toàn diện và là 1 trong các mục tiêu thiên kỷ quốc gia, tỉ lệ mắc lao tại Việt Nam chỉ giảm có 2,8% trong giai đoạn 2007 - 2011. Nếu tính theo mức giảm trung bình mỗi năm là 0,8% (giai đoạn 2000-2010) thì từ nay đến năm 2030, cũng chỉ giảm được chưa tới 25%, tức là không thể thanh toán được bệnh lao tại Việt Nam như mục tiêu chương trình chống lao quốc gia đề xuất. Và trong 5 năm vừa qua, Việt Nam vẫn ở trong 2 danh sách có gánh nặng bệnh lao và gánh nặng lao đa kháng thuốc.

 

Những điều này cho thấy tính cấp thiết cần phải đầu tư cho phòng chống lao mang tính quốc gia trong giai đoạn 2012-1015, đến 2020 và đến 2035.

 
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi TƯ, Chủ nhiệm chương trình Chống lao Quốc gia

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi TƯ, Chủ nhiệm chương trình Chống lao Quốc gia

Cơ hội và thách thức

 

Để giảm được 50% số người mắc bệnh lao trong cộng đồng với tỷ lệ từ 375/100.000 người dân tại thời điểm năm 2000 xuống tỷ lệ 187/100.000 người dân vào năm 2015 và xa hơn là “chung tay vì 1 Việt Nam không có bệnh lao”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi TƯ, Chủ nhiệm chương trình Chống lao Quốc gia, khẳng định mục tiêu này cần phải được xem là 1 nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành y tế là nòng cốt, giữ vai trò cơ quan tham mưu và thực hiện chiến lược, với sự tham gia phối hợp của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người bệnh.

 

Đứng trước thách thức dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, lao đa kháng thuốc đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm HIV tích lũy tiếp tục tăng lên và đặc biệt là thách thức về nguồn nhân lực và nguồn tài chính do sự giảm nhanh nguồn viện trợ quốc tế trong những năm tới, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng cần phải tận dụng những cơ hội mới để đạt được các mục tiêu này. Cụ thể, đó là sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, sự quan tâm của 1 số địa phương trong đầu tư cho công tác phòng chống lao; sự quan tâm của hội nông dân, phụ nữ, hội Chữ thập đỏ…; hệ thống y tế từ TƯ đến cơ sở đã có sự lồng ghép về quản lý, chuẩn hóa về kỹ thuật (ví như thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp – PAL); Việt Nam là một trong những nước đầu tiên áp dụng thuốc mới, kỹ thuật mới….

 

Theo đó, đưa ra 3 đề án để thực hiện chiến lược giảm trừ bệnh lao qua từng giai đoạn. Trong đó, cần chú trọng đề án xây dựng và vận động chính sách, truyền thông giáo dục sức khỏe và huy động xã hội cho công tác phòng chống lao.

 

Và để thực hiện được điều này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung đề xuất:

-          Về nhân lực: thống nhất mô hình tổ chức tuyến huyện, tại bệnh viện huyện; có chế độ ưu đãi về tuyển dụng, đào tạo đại học, sau đại học cho cán bộ chống lao; đảm bảo ít nhất mỗi tổ chống lao tuyến huyện có từ 3-5 cán bộ y tế

-          Về tổ chức: TƯ có chương trình chống lao quốc gia; bệnh viện Lao và bệnh phổi tuyến tỉnh cần có biên chế cho chỉ đạo tuyến; đưa chỉ tiêu về công tác chống lao là chỉ tiêu thi đua các cấp; đặt công tác chống lao là 1 chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương

-          Cần ưu tiên vùng sâu, vùng xa với cơ chế hỗ trợ về tài chính để thu hút nhân lực.

-          Cải tiến quy định bảo hiểm y tế để người có thẻ có thể khám, phát hiện lao ở cơ sở y tế gần nhất (không phụ thuôc vào nơi đăng ký ban đầu.

-          Có chế độ đãi ngộ với y tế nhân tham gia hoạt động chống lao như y tế nhà nước cùng với đó là tăng cường kiểm tra nhà thuốc, phòng mạch được trao đổi về việc bán thuốc lao tự do.

-          Tạo một môi trường để tất cả các đối tác trong và ngoài nước tham gia vào công tác chống lao tại Việt Nam.

 

Như vậy, kiểm soát bệnh lao là thách thức lớn, lâu dài; bệnh ảnh hưởng đến tất cả cộng đồng do đó cần có 1 chiến lược và cần sự phối hợp mọi nguồn lực quốc gia và toàn cầu trong kiểm soát lao để đảm bảo tính bền vững.

 

Nhân Hà