1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cách nào để stress thành tích cực?

(Dân trí) - Chúng ta đang bị stress nhiều hơn bao giờ hết, với nhu cầu làm việc suốt cả ngày và truy cập email, điện thoại và mạng xã hội 24/7. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây gợi ý rằng stress không đến nỗi đáng sợ như chúng ta thường cảm thấy.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Mannheim ở Đức nhận thấy rằng thay đổi “tư duy” stress có thể giúp mọi người được lợi, chứ không phải bị tổn hại, từ stress ở nơi làm việc.

Nhìn vào cảm nhận của một nhóm công nhân qua một tuần làm việc bình thường, họ thấy rằng những nhân viên có tư duy stress tích cực có thể tiếp cận khối lượng công việc theo một cách khác. Điều này có nghĩa là họ cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn là hoàn toàn bị đè bẹp bởi stress và kiệt sức vào cuối tuần.

Nhưng làm thế nào họ đã làm điều đó? Dưới đây là lý giải của của các chuyên gia về cách đơn giản để thay đổi tư duy và sử dụng stress như một nguồn năng lượng chứ không phải một gánh nặng.

Cách nào để stress thành tích cực? - 1

Có phải tất cả stress đều xấu?

“Stress” không phải là thứ gì mới mẻ và trên thực tế phản ứng stress của cơ thể là có lợi vì nó giúp chúng ta cảnh giác trong những lúc nguy hiểm.

Phản ứng sinh lý đối với stress bây giờ cũng giống như trước đây khi tổ tiên của chúng ta săn bắn và hái lượm. Lúc đó, phản ứng "chiến đấu hay bỏ chạy" với stress là rất quan trọng vì khi phải đối mặt với nguy hiểm (ví dụ trước một con thú ăn thịt như sư tử), chúng ta cần cơ thể phải càng mạnh càng tốt để chạy trốn hoặc đánh trả.

Theo nghĩa này, stress là một điều tốt - nó đã giúp loài người sống sót. Thậm chí giờ đây trong cuộc sống hàng ngày, cơ thể của chúng ta rất tốt và nhanh khi phải đối phó với những tình huống khó khăn – nếu có ai đó đứng trước mũi xe, cơ thể sẽ ngay lập tức chuyển sang đáp ứng stress để cho phép bạn phản ứng ngay lập tức.

Tại sao sau đó stress lại bị mang tiếng xấu?

Để giúp chúng ta phản ứng nhanh chóng và gần như không suy nghĩ, các chất dẫn truyền thần kinh và hoóc-môn quan trọng (adrenaline và cortisol) sẽ bơm qua bộ não và cơ thể.

Vấn đề của chúng ta hiện nay là dòng thác tự nhiên này được kích hoạt khi chúng ta phải đối mặt với mỗi tình huống khó khăn trong công việc hoặc thành viên khó chịu trong gia đình - và nếu nghĩ về nó, chúng ta có thể vượt qua những “stress” như vậy nhiều lần trong ngày.

Nếu chúng ta không đối phó với tốt với những stress này, cơ thể chúng ta không có cơ hội “cài đặt lại” cơ thể về mặt sinh lý. Đó là lý do tại sao stress liên tục sẽ đẩy chúng ta vượt quá giới hạn có thể tai hại cho sức khoẻ.

“Tư duy stress” là gì?

Thoát khỏi stress không phải đơn giản - đối với nhiều người, cuộc sống là vô vàn tiếng chuông báo email và chuông điện thoại, những đòi hỏi không ngừng từ cấp trên, áp lực gia đình và vô số những trách nhiệm khác.

Nhưng chúng ta có thể thay đổi tư duy stress của chúng ta.

Tư duy stress tích cực là trong đó bạn nhìn nhận tình huống stress như một cơ hội cần nắm lấy vì nó có thể mang lại cho bạn kiến thức và thành tích. Điều này có thể thúc đẩy động lực để hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn và cho bạn sự tập trung cần thiết để hoàn thành nó.

Tư duy stress tiêu cực là khi sự kiện hoặc nhiệm vụ stress bị xem là khó chịu, kiệt sức và thậm chí là hiểm họa.

Nghiên cứu tại Đại học Mannheim đã xem xét 171 nhân viên làm việc trong các ngành như giáo dục, y tế và chăm sóc xã hội, và CNTT để xem tư duy này có tạo ra sự khác biệt hay không. Các nhân viên được yêu cầu ghi nhật ký ba lần một ngày.

Vào buổi sáng họ được hỏi về khối lượng công việc dự kiến trong ngày. Sau khi làm việc, nhật ký ghi lại xem nhân viên dó có thực hiện những bước định sẵn trong ngày để đối phó với khối lượng công việc hay không. Ví dụ, lập kế hoạch cho công việc của ngày, lên lịch công tác và nhìn nhận những việc khó như một cơ hội để học tập.

Cuối cùng, trước khi đi ngủ, các nhân viên được hỏi xem họ nghĩ như thế nào về thành tích trong ngày và họ cảm thấy sinh lực của mình thế nào.

Những người có tư duy stress tích cực hơn chấp nhận khối lượng công việc nặng hơn và hoan nghênh những thách thức trong công việc. Họ đã có thể đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ với hành vi đúng đắn hơn, chẳng hạn như lập kế hoạch và chuẩn bị cẩn thận.

Còn những người có tư duy stress tiêu cực thực hiện công việc ít chủ động hơn khi khối lượng công việc nhiều và nói rằng họ cảm thấy mệt mỏi. Họ sử dụng sự lảng tránh như một cách để đối phó.

Tin tốt là, tất cả chúng ta đều có thể thay đổi tư duy stress – dưới đây là cách

Nghiên cứu này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc chủ động tiếp cận tình huống khó. Điều này có thể được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, chứ không chỉ trong công việc.

• Khi cảm thấy điều gì đó khó khăn và stress, hãy xem bạn có thể học hỏi được điều gì được từ đó. Có thể bạn làm được nhiều hơn bạn nghĩ, như T.S. Eliot nổi tiếng nói: "Nếu bạn không vượt lên trên đầu mình, thì làm sao biết bạn cao bao nhiêu?"

• Hãy luôn tốt với chính mình. Nói chung chúng tôi thường nghiêm khắc với bản thân hơn với những người khác, vì vậy nếu bạn gặp phải khó khăn hay thách thức, hãy đối xử với chính mình như với người bạn tốt nhất của bạn. Với sự tử tế và thông cảm.

• Mỗi ngày đều tự nhắc nhở mình về tất cả những thách thức mà bạn đã vượt qua - điều này sẽ tăng cường các kết nối trong não về thành tích, sao cho khi một thử thách mới xuất hiện bạn sẽ có thể xem nó như là một trải nghiệm hào hứng, chứ không phải là một stress choáng ngợp.

• Nhưng điều này không có nghĩa là bạn cần đồng ý với tất cả mọi thứ - hãy đặt ra những giới hạn và tuân thủ chúng, dù là ở nơi làm việc, ở nhà hoặc với bạn bè và gia đình.

Nếu tôi cảm thấy stress và không biết tại sao thì thế nào?

Stress xảy ra là để đối phó với một loại đe dọa nào đó - những con thú dữ sẵn sàng ăn thịt bạn ngày xưa hoặc một bài trình bày quan trọng tại nơi làm việc ngày mai. Nói cách khác, chúng ta có thể xác định điều gì gây ra cảm giác stress.

Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy bị stress và dường như không có mối đe doạ nào cụ thể, thì có thể bạn đang bị lo âu.

Luôn lo lắng về tương lai hoặc dằn vặt về quá khứ là đặc trưng của chứng lo âu. Mặc dù những điều này không xảy ra ngay bây giờ, nhưng lo lắng và dằn vặt gây ra phản ứng stress và tình trạng stress mãn tính này có thể hủy hoại sức khoẻ.

Nếu nghĩ rằng mình đang bị lo âu, hãy đến gặp bác sỹ, người có thể đề nghị một khoá học về liệu pháp hành vi nhận thức (CBT). Ở nhiều nơi, bạn có thể tự tìm đến các chương trình CBT.

Lời cuối

Chính việc cảm thấy cần phải loại bỏ các nguồn gây stress trong cuộc sống lại có thể trở thành stress! Bởi vì đối với nhiều người trong chúng ta, điều này chỉ đơn giản là không thể - chúng ta vẫn cần phải kiếm tiền, đương đầu khối lượng công việc nặng nề mỗi ngày, khuyên giải những người thân và giải quyết vô số việc.

Đó là lý do tại sao chúng ta sẽ yên tâm khi biết rằng một sự thay đổi trong nhận thức có thể làm giảm mức căng thẳng. Có thể cần tập luyện một chút, nhưng có thể địhnh hình lại những tình huống đòi hỏi chúng ta đối phó tốt nhất có thể với những thách thức gặp phải.

Cẩm Tú

Theo DM