Cách ăn uống tốt nhất cho người bị ung thư dạ dày

Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày là một phần điều trị của ung thư dạ dày. Không có dạ dày có thể là một thách thức khó khăn cho người bệnh trong việc ăn uống, tiêu hóa.

Thưa bác sĩ, mẹ của cháu được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư dạ dày và đã được phẫu thuật cắt bỏ dạ dày toàn phần. Hiện tại đang chờ hoá trị.

Vậy xin bác sĩ tư vấn giúp cháu về chế độ dinh dưỡng cho mẹ cháu trong giai đoạn hoá trị nên ăn và không nên dùng những thực phẩm nào để đảm bảo cho thể trạng được tốt ạ? Và trong suốt thời gian điều trị bằng hoá chất thì sinh hoạt như thế nào ạ? Cháu xin cảm ơn bác! Nguyễn Phương Uyên - Hà Nam

Cách ăn uống tốt nhất cho người bị ung thư dạ dày - 1

TTƯT.GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K Trung ương tư vấn:

Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày là một phần điều trị của ung thư dạ dày. Không có dạ dày có thể là một thách thức khó khăn cho người bệnh trong việc ăn uống, tiêu hóa.

Các hội chứng Dumping, kém hấp thu và cảm giác no sớm có thể khiến bệnh nhân khó khăn để hấp thu đủ lượng calo giúp duy trì hoặc lấy lại cân nặng. Thông thường, sau khi cắt dạ dày, người bệnh thường bị giảm cân, gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Một số lời khuyên dưới đây có thể hữu ích cho mẹ bạn cũng như người bệnh sau phẫu thuật cắt bỏ dạ dày:

Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm bao gồm các loại  trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại thực phẩm giàu protein, các sản phẩm sữa…, có thể thêm những sản phẩm giàu calo như bơ, dầu, pho mát... vào các món ăn của mình.

Ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên – 6-8 lần mỗi ngày. 

Uống đồ uống bổ dưỡng. Chất lỏng giàu dinh dưỡng có thể cung cấp nhiều Calo và rất tốt cho người bệnh ngay sau phẫu thuật. Thay vì chè, cà phê, soda hoặc nước tinh khiết, bạn hãy thử sữa, nước trái cây không đường, sữa trứng, vv…

Hãy suy nghĩ về thực phẩm như thuốc. Người bệnh sau cắt bỏ dạ dày thường không thèm ăn, không thấy đói. Tuy nhiên, điều quan trọng bạn hãy nhớ rằng dinh dưỡng là một phần quan trọng của sức khỏe. Hãy coi các bữa ăn như là các loại thuốc chữa bệnh cần uống trong ngày. Trong thời gian này, người bệnh cần tập trung vào việc ăn thực phẩm giúp chữa bệnh và tốt cho sức khỏe.

Đa số các loại hóa chất đều gây nôn, buồn nôn tạo cảm giác mệt mỏi, chán ăn cho người bệnh. Vì vậy ngoài chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân, bạn nên tư vấn thêm bác sĩ điều trị phối hợp thêm các thuốc chống nôn khi cần thiết.

Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, tránh các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, đồ ăn quá cay… Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga… tránh các công việc lao động nặng nhọc.

Chúc bạn và gia đình luôn khỏe.

Theo Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm